Dù biến đổi khí hậu là có thật, nhưng số người tin vào điều đó đã giảm từ 44% xuống còn 31%… Hậu quả cùa hai sai sót lớn trong báo cáo của IPCC về biến đổi khí hậu toàn cầu. Thế giới đã trải qua một mùa hè với những đợt nóng khủng khiếp và nạn cháy rừng ở Châu Âu, lũ lụt gây thảm họa ở Trung Quốc, Pakistan và một số nơi ở Châu Á, và cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu đang trở lại trên các phương tiện truyền thông.
Xìcăngđan Climategate
Xìcăngđan liên quan đến Ban biến đổi khí hậu liên chính phủ IPCC (International Panel on Climate Change - IPCC) của Liên Hiệp Quốc được đặt tên là Climategate, nhái tên của Xìcăngđan Watergate. IPCC là một tổ chức liên chính phủ, do tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cùng với chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) phối hợp thành lập vào năm 1988.
IPCC là một tổ chức liên ngành và liên chính phủ với 194 quốc gia thành viên. Mục đích của IPCC là huy động các chuyên gia toàn thế giới thực hiện đánh giá về biến đổi khí hậu dựa trên các dẫn liệu hiện có. Các thành viên của IPCC, kể cả chủ tịch, đều là các chuyên gia trong từng lãnh vực cụ thể và không hề ăn lương của IPCC. Yêu cầu của quá trình thực hiện báo cáo là phải nghiêm ngặt về thông tin khoa học, huy động sự đóng góp của càng nhiều chuyên gia càng tốt, và thực hiện đánh giá một cách toàn diện và khách quan.
"Một sự thật phiền toái" - biếm họa trên báo chế nhạo tiến sĩ Rajendra Pachauri, người đứng đầu IPCC đã dựa trên một số dữ kiện sai sót để thổi phồng tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu
Ngày 30/08/2010 vừa qua, InterAcademy Council (IAC) - một tổ chức uy tín với thành viên là một số viện khoa học quốc gia trên thế giới - đã công bố một báo cáo đánh giá độc lập về các quy trình và thủ tục của IPCC theo yêu cầu của đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Kimoon và chủ tịch IPCC tiến sĩ Rajendra Pachauri.
Tiến sĩ Rajendra Pachauri, người đứng đầu IPCC (Ảnh: AFP)
Suốt bốn tháng làm việc, IAC xem xét quá trình IPCC thực hiện đánh giá định kỳ (6 năm một lần) về biến đổi khí hậu, kể cả các cáo buộc sử dụng các dẫn liệu chưa được các nhà khoa học thẩm định, đồng thời điểm lại cơ chế quản lý của IPCC và quy trình công bố các kết luận cho quần chúng.
Người ta dự báo cuộc họp toàn thể của IPCC sẽ tổ chức tại Busan, Hàn Quốc, vào tháng 10 tới đây sẽ nóng lên rất nhiều vì các kết quả từ báo cáo của IAC nói trên sẽ được đưa vào nghị trình.
Nhóm soạn báo cáo cho IAC, còn gọi là ủy ban Shapiro, do ông Harold Shapiro, cựu chủ tịch đại học Princeton đứng đầu, bắt tay làm việc sau khi người ta phát hiện có những sai sót trong báo cáo mới nhất về biến đổi khí hậu (năm 2007) của IPCC. Tuy đánh giá cao các thành tựu của IPCC từ trước đến nay, ủy ban Shapiro vẫn chỉ trích gay gắt cách tổ chức của IPCC và yêu cầu phải cải tổ.
Vào tháng 06/2010, hơn 800 nhà khoa học về khí hậu đã được chọn ra để thực hiện báo cáo đánh giá khí hậu lần thứ năm (AR5) dự định sẽ công bố từng phần trong hai năm 2013 - 2014. Báo cáo của ủy ban Shapiro góp phần làm gia tăng áp lực buộc ông Pachauri phải từ chức chủ tịch IPCC, nhưng các đề xuất của báo cáo do ủy ban Shapiro soạn thảo hy vọng sẽ giúp củng cố quá trình thực hiện AR5 (báo cáo lần thứ năm về biến đổi khí hậu).
Báo cáo gần đây nhất của IPCC là báo cáo lần thứ tư (AR4) công bố năm 2007 có sự tham gia biên soạn của 559 chuyên gia từ 130 quốc gia, đồng thời được 2.000 chuyên gia khác thẩm định với 90.000 bài nhận xét.
Hai sai sót lớn nhất của báo cáo 2007 là dự báo sai khi cho rằng băng hà trên dãy Himalaya sẽ tan chảy hết trong vòng 25 năm tới, và hơn một nửa diện tích Hà Lan sẽ bị ngập dưới biển. Ngoài ra, IPCC cũng dự báo thiếu căn cứ là đến năm 2020 sản lượng nông nghiệp của các diện tích được tưới bằng nước mưa ở một số quốc gia Châu Phi sẽ giảm 50% (Xìcăngđan "Africagate") hoặc 40% rừng nhiệt đới Amazon có thể biến mất do địa cầu nóng lên (Xìcăngđan "Amazongate").
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tỏ ra quan ngại về cách IPCC tổng hợp các báo cáo và phê phán việc IPCC sử dụng những bằng chứng không đáng tin cậy hoặc một số thông tin mà họ gọi là tham liệu "xám" - tức là chưa được giới khoa học thẩm định.
Alan Thorpe, giám đốc Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên, là tổ chức tài trợ lớn nhất cho nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Anh, phát biểu: "Chúng ta chỉ nên sử dụng những tham liệu đã được các đồng nghiệp thẩm định. Chúng ta sẽ tự chuốc lấy rắc rối nếu cứ sử dụng những dẫn liệu kém và tham liệu xám. Chúng ta có đủ các nghiên cứu đã được giới khoa học thẩm định để dùng làm bằng chứng cho biến đổi khí hậu, vì vậy thật đáng tiếc là IPCC đã đi chệch hướng".
Báo cáo đánh giá về hoạt động của IPCC do Ủy ban Shapiro thực hiện cho rằng các dự thảo báo cáo của IPCC nhận được hàng chục ngàn bản nhận xét khác nhau nhưng không được IPCC xử lý một cách thống nhất. Chính vì vậy, IPCC đã để lọt sàng một số thông tin chưa kiểm chứng thí dụ dự báo sai lạc về dãy Himalaya tan hết băng trong vòng ba thập kỷ tới.
Biến đổi khí hậu là có thật, nhưng Climategate làm giảm lòng tin
Những "hạt sạn" như trên đã góp phần làm công chúng hoang mang hơn về vấn đề biến đổi khí hậu. Mới đây, một cuộc điều tra dư luận do hãng Ipsos thực hiện thay mặt cho công ty tư vấn Euro RSCG cho thấy chỉ trong năm qua số lượng người tin rằng biến đổi khí hậu là có thực đã giảm từ 44% xuống còn 31%, còn số người tin rằng việc biến đổi khí hậu hơi bị thổi phồng đã tăng từ 22 lên 31%.
Những người hồ nghi đã cho rằng các sai sót nói trên đều nhằm trầm trọng hóa mức độ của biến đổi khí hậu.
Một số nhà chính trị có thể nhân cơ hội này để từ chối không chịu bỏ tiền để làm giảm lượng khí thải cacbon. Những lầm lẫn của các nhà khoa học chắc chắn đã làm thay đổi cảm nhận của quần chúng về vấn đề biến đổi khí hậu, chẳng hạn người ta có thể hồ nghi liệu có đúng là con người làm thay đổi khí hậu, làm băng tan, mực nước biển dâng cao...
Tuy nhiên, mặc dầu IPCC không trực tiếp thực hiện nghiên cứu, nhưng báo cáo của IPCC có sai sót không có nghĩa là các nghiên cứu về biến đổi khí hậu đều sai. Việc các tác giả của báo cáo IPCC trích dẫn một nguồn chưa chính xác hoặc sơ suất trong biên tập cũng không thể làm giảm uy tín của khoa học về biến đổi khí hậu. Chỉ vì các sai sót mà hồ nghi về khoa học biến đổi khí hậu là không đúng vì các sai sót nói trên không hề được đưa vào phần kết luận chính thức của báo cáo, ngay cả báo cáo của Nhóm công tác I trong đó chứa các nội dung cơ sở của khoa học về biến đổi khí hậu.
Một số người còn cho rằng báo cáo của IPCC đã bị "chính trị hóa" và IPCC có chủ ý thông tin sai hoặc gây tình trạng báo động giả về biến đổi khí hậu. Thực ra, một công trình với sự cộng tác của đông đảo các nhà khoa học như báo cáo của IPCC thường có xu hướng ‘bảo thủ’ hơn là thổi phồng.
Quả vậy, trước khi giới truyền thông làm rùm beng về các "Xìcăngđan", các chuyên gia đã cho rằng báo cáo AR4 đã đánh giá còn thấp mức nghiêm trọng của một số phương diện của khí hậu chẳng hạn mực nước biển dâng cao hoặc sự suy giảm của lượng băng ngoài biển (xin tham khảo báo cáo Copenhagen Diagnosis). Số liệu thực tế cho thấy tình hình thay đổi nhanh hơn là mức dự báo của IPCC.
Những "hạt sạn" trong báo cáo của IPCC đã được IPCC thừa nhận và sửa đổi. Các chính phủ sẽ gặp nhau tại phiên họp toàn thể của IPCC tại Busan (Hàn Quốc) vào tháng 10 tới đây sẽ đánh giá lại toàn diện vấn đề nhiệm kỳ, sự minh bạch, mức độ tin cậy, và nhân sự của IPCC, xem xét các kiến nghị của IAC và quyết định về chương trình hành động.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những sai sót đó không nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến các kết luận của báo cáo về biến đổi khí hậu. Giáo sư Bob Watson, từng là chủ tịch IPCC trước tiến sĩ Pachauri, và hiện nay là nhà khoa học hàng đầu của Bộ Môi trường, thực phẩm và nông nghiệp Anh, nhấn mạnh rằng mặc dầu có những sai sót đó, báo cáo vẫn chứng minh được vấn đề biến đổi khí hậu là một thực tế không thể bác bỏ.
Hoàng Hà Nam (Theo Đình Huy - datviet.com.vn).