Với những người dân sống ở vùng biển đảo, đi tàu thuyền nhiều ngày trên biển thì việc có được nguồn nước ngọt là điều mơ ước. Với trình độ công nghệ hiện nay của khoa học Việt Nam, ước mơ đó không còn xa vời mà đã rất hiện hữu. Xin giới thiệu một vài công nghệ đã được áp dụng thành công trong thực tế.
Công nghệ thẩm thấu ngược (RO)
Đây là công nghệ do KS. Lê Khắc Hoàng Lan, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng Việt Nam thiết kế và chế tạo. Công nghệ này không phải mới và đã được nhiều nơi trên thế giới sử dụng. Trên nguyên tắc dùng áp lực cao hơn áp lực thẩm thấu, nước được bơm qua hệ thống lọc RO dưới áp lực cao tạo thành dòng nước tinh khiết và dòng muối đậm đặc. Qua kiểm nghiệm, nước ngọt thu được bảo đảm như nước tinh khiết, các chất bẩn nguy hại như nitrat, ion kim loại, sun phát, chất bẩn hữu cơ và vi khuẩn... hầu như bị loại bỏ. KS Lan cho biết, máy có giá thành rẻ hơn 50% so với sản phẩm cùng loại được sản xuất tại nước ngoài. Được biết, máy đã được lắp đặt thử nghiệm ở một số địa phương: trên tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân TP Đà Nẵng; xử lý nước phèn mặn phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt với công suất 140m3/ngày được lắp đặt tại Sư đoàn 4, tỉnh Kiên Giang; xử lý nước biển thành nước ngọt cho giàn khoan dầu khí với công suất 12m3/ngày tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xử lý nước giếng nhiễm phèn mặn, độc tố, thuốc trừ sâu thành nước sinh hoạt tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh...
Công nghệ điện thẩm tách (ED)
Công nghệ mới này thuộc về nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Phát triển công nghệ cao thuộc Viện Khoa học vật liệu Hà Nội. Khác với công nghệ thẩm thấu ngược RO, công nghệ ED dựa trên đặc tính chọn lọc ion của dòng điện. Phương pháp lọc này quan trọng nhất là bộ điện phân gồm có: Điện cực và các lớp màng khác nhau. Khi dòng điện chạy qua bộ lọc có hiện tượng tách các ion và nước sạch sẽ theo một nguồn riêng ra ngoài. Ông Cao Văn Chung, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, có thể lọc nước nhiễm mặn với kết quả làm giảm hơn 6 lần nồng độ muối trong nước. Cụ thể, nếu như chỉ số đo TDS (tổng chất rắn hoà tan có trong nước) ở nước bị nhiễm mặn là khoảng 2.000mg/l, thì sau khi qua máy lọc chỉ còn từ 300 - 350mg/l. Trong khi đó, chỉ số đo TDS trong nước sinh hoạt được Bộ Y tế cho phép là 1.000mg/l. Phương pháp này, không chỉ giúp lọc bỏ lượng muối quá cao mà còn có thể lọc bỏ các chất độc khác trong nước (như clo, lưu huỳnh...), làm tinh sạch nguồn nước.
Dùng ánh nắng mặt trời chưng cất nước biển thành nước ngọt
Dựa trên nguyên lý làm bốc hơi, nước biển đã được cất để thu nước ngọt phục vụ sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Nước biển được đưa vào các bồn chứa. Phía trên bồn được che kín bằng mái kính trong suốt để đón ánh nắng mặt trời. Ánh nắng sẽ làm cho nước mặn bên trong các khoang chứa nóng lên và đến một lúc nhất định sẽ có hiện tượng bay hơi. Hơi nước bay lên gặp bề mặt phía dưới của mái kính sẽ ngưng đọng thành giọt, chảy vào thùng chứa. Công nghệ này được Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu ứng dụng. Hiện công nghệ này đang được lắp đặt ứng dụng thử nghiệm tại Bến Tre và Thừa Thiên - Huế. Ưu điểm của công nghệ này là chi phí đầu tư thấp, dễ sử dụng, tạo nước sạch cho cư dân ở nơi xa xôi, khan hiếm nước ngọt, sống phân tán và không có điện. Kết quả là nước thu được từ quá trình cất bốc hơi sạch hơn cả nước mưa vì không bị nhiễm bụi bẩn từ khí quyển. Ban đầu, vấn đề đặt ra là hiệu suất của phương pháp trên thường thấp, chỉ thu được 2 - 3 lít/ngày/m2 do thời gian có nắng trong ngày thường chỉ có 6 - 9 tiếng.
Hoàng Hà Nam (Theo Bộ NN&PTNT).