Là một thành phần quan trọng của thủy quyển, băng tập trung chủ yếu ở hai địa cực. Khối lượng băng thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào nhiệt độ của Trái đất. Trong thời gian gần đây, dưới tác động của sự gia tăng nhiệt độ, từ vùng đồng bằng buốt giá của khối băng Bắc Cực đến các sông băng vùng núi, hiện tượng băng tan trở nên ngày càng nghiêm trọng, như một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về sự nóng lên của Trái đất.
            Theo ghi nhận thì những tảng băng ở khu vực "nóc nhà thế giới" Himalayas bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, bằng chứng là những dòng sông băng vùng núi đang liên tục thu hẹp lại trong khi các sông hồ lại đang liên tục mở rộng, đe dọa sẽ nhấn chìm làng mạc khi các đập băng không còn nữa.
            Đó là còn chưa kể đến mối nguy hiểm cận kề đối với ¼ dân số thế giới hiện đang sống nhờ lượng nước tan chảy từ dãy Himalayas và tính bất thường của lượng nước băng tan cung cấp cho các con sông lớn ở châu Á như Hoàng Hà, Dương Tử, Mê Kông, Brahmaputra, sông Ấn, sông Hằng và hàng tỷ con sông nhỏ khác.
 
 
Băng tan (Ảnh: Nick Cobbing/Greenpeace)
 
 
            Tuy nhiên, bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả vẫn là hệ thống sông băng vùng thấp. Sông băng trên núi Kilimanjaro có thể hoàn toàn biến mất trong vòng 1 thập kỷ, Pyreness nhiều khả năng sẽ bị vỡ ra vào giữa thế kỷ này và 3/4 sông băng ở dãy Alps cũng sẽ biến mất cùng thời gian đó.
            Chưa hết, băng tan còn là nguyên nhân của những mối nguy lớn mà điển hình là hiện tượng nước biển dâng. Tình trạng giá lạnh của Greenland và phía tây Bắc cực đang giữ một lượng nước đủ để làm mực nước biển tăng lên hơn 6m, gây ngập lụt cho rất nhiều thành phố lớn từ New York đến Thượng Hải.
 
            Núi băng biến thành lũ
            Tình trạng băng tan và những đe dọa khôn lường của nó có lẽ không còn lạ lẫm với người dân làng Halji - một cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Humla, huyện vùng sâu nhất Nepal thuộc dãy Himalayas. Cộng đồng này đang phải vật lộn để cứu vùng đất có nền văn hóa Phật giáo lâu đời của mình khỏi những trận lũ lụt xuất phát từ một hồ băng trên núi.
            Trong vòng 5 năm qua, hầu như mùa hè nào ngôi làng cũng bị nước lũ từ hồ băng Tak Tsho tàn phá. Lũ lụt không chỉ kéo đổ nhà cửa mà còn cuốn trôi hoa màu, đồng thời khiến nhiều cánh đồng bị ngập vùi trong cát, khó có thể canh tác được trong nhiều năm.
            Dân làng cho hay nếu thời gian tới hồ Tak Tsho lại đầy tràn và ào ạt tuôn nước lũ giống như năm ngoái thì rất có thể vùng đất linh thiêng 1.000 năm tuổi của họ sẽ bị phá hủy nặng nề.
            Những khối băng hiện đang treo lơ lửng bên trên hồ. "Chúng tôi nhìn thấy những vết nứt lớn trên khối băng, điều đó lý giải vì sao vào khoảng thời gian tháng 6 hàng năm trước khi lũ đến, dân làng thường nghe thấy những tiếng động mạnh. Rõ ràng, những tảng băng lớn từ phần băng bị vỡ đã rơi xuống hồ khiến nước tràn ra, gây nên những trận lũ và lở đất dưới hạ lưu", ông Mangal Lama, một nhân viên công tác xã hội của vùng nhận định.
 
 
Đa số sông băng và hồ băng trong vùng Himalayas đều chưa được kiểm soát
(Ảnh: Astrid Hovden/BBC News)
 
            Theo nhận định của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang làm tăng tốc độ băng tan chảy trên dãy Himalayas, hình thành nhiều hồ băng mới và làm đầy những hồ băng hiện có tới mức độ nguy hiểm.
            Được biết, hiện Nepal có khoảng 4.000 sông băng và hồ băng thuộc dãy Himalayas chưa được kiểm soát, giống như trường hợp hồ băng tại làng Halji. Một giải pháp được đặt ra nhằm đảm bảo an toàn cho cả ngôi làng là di dời tu viện của họ và chỗ ở đến một vùng đất khác. Song, người dân nơi đây lại không đồng tình với giải pháp di dời bởi như lời Trưởng làng đã nói, nếu chuyển tu viện lâu đời của họ đi thì các giá trị lịch sử và tôn giáo của cộng đồng Halji sẽ không còn nữa; ngược lại, nếu không di dời thì đồng nghĩa với việc cộng đồng văn hóa và tôn giáo tồn tại nhiều thế kỷ của họ sẽ sớm đổ vỡ và biến mất.
            Câu chuyện của Himalayas hay Greenland dẫu không giúp tạo ra sự đồng thuận, nhất trí về mặt khoa học trên phạm vi toàn cầu về biến đổi khí hậu nhưng chúng cũng góp phần rung lên hồi chuông cảnh báo về tác động của hiện tượng này. Bất chấp việc các chính phủ và các viện khoa học trên toàn cầu đều đồng ý rằng biến đổi khí hậu là có thực và cần được giải quyết, thì ống xả thải của các nhà máy công nghiệp không vì thế mà bớt khói. Tương lai nếu các dòng sông băng cứ biến mất dần thì rất có thể cơ hội để loài người hạn chế tác động của hiện tượng băng tan sẽ dần tuột khỏi tầm tay.
 
Theo Guardian & BBC.