Các nước quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững để tái đầu tư vào nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn không thể "sờ nắm" được như nhân lực, giáo dục, thể chế, phát minh và công nghệ mới... có thể "thăng hạng" trong mức thang phát triển, Cuốn sách mới xuất bản của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định.
Cuốn sách The Changing Wealth of Nations (Tạm dịch: Nguồn của cải của các quốc gia đang thay đổi) - ấn phẩm ra đời tiếp theo cuốn Where is the Wealth of Nations (Nguồn của cải của các quốc gia nằm ở đâu) đã xây dựng một bộ "đánh giá của cải" của các quốc gia, mở rộng các tiêu chí đánh giá bằng việc đưa vào các khía cạnh nằm ngoài GDP tiêu chuẩn.
Lý giải về sự ra đời của cuốn sách, ông Inger Andersen - phó chủ tịch Mạng lưới Phát triển Bền vững của World Bank phát biểu: "Việc chúng ta đánh giá sự phát triển như thế nào sẽ quyết định tới cách thức chúng ta phát triển. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một công cụ đánh giá toàn diện nguồn của cải, để đưa ra bức tranh toàn cảnh cho tiến trình phát triển kinh tế về lâu dài".
Cuốn sách cho thấy các nước đang phát triển khác rất xa các nước phát triển ở nền tảng tạo ra của cải. Hầu hết các quốc gia, cuốn sách cho biết, đều khởi đầu với mức phụ thuộc tương đối cao vào nguồn vốn thiên nhiên, nhưng những nước phát triển đi lên là những nước quản lý nguồn tài nguyên một cách bền vững để rồi tái đầu tư vào nguồn vốn xã hội và nguồn vốn con người cũng như xây dựng thế chế và hệ thống quản lý vững mạnh.
Theo cuốn sách, năm 2005, tổng giá trị kinh tế của khối tài sản tự nhiên là 44 tỷ USD trên toàn cầu, trong khi đó nguồn vốn "không sờ nắm được" ước tính chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong tổng lượng của cải với 540 triệu USD trên toàn thế giới.
Cuốn sách: The Changing Wealth of Nations
Đồng tác giả Glenn Marie Lange thuộc Ban Môi trường của World Bank cho biết: "Chúng tôi nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc quản lý vốn thiên nhiên một cách hiệu quả và nguồn của cải ngày càng tăng lên ở các quốc gia. Ở những nước thu nhập thấp, nơi mà vốn thiên nhiên chiếm trung bình 30% tổng tài sản và hơn 50% ở một số quốc gia, thì sự phát triển là nhờ tận dụng nguồn vốn thiên nhiên để tăng trưởng".
Cuốn sách cũng cho thấy là mức tăng trưởng của nguồn vốn không thể "sờ nắm" được đóng góp gần 100% vào tổng lượng của cải của vùng Châu Phi cận Sahara, Tây Âu và Trung Á từ năm 1995 đến 2005. Tỷ lệ này là 80% ở Nam Á, 72% ở Châu Mỹ Latinh và Caribe. Trong khi đó, nguồn vốn thiên nhiên bao gồm rừng, đất nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản... của các nước có thu nhập thấp đóng góp tới 1/3 vào nguồn tài sản của những nước này.
Điều này cho thấy vai trò có tính quyết định của hiệu quả quản lý đối với phát triển kinh tế. Đồng tác giả Kirk Hamilton từ Ban Phát triển Kinh tế của World Bank bình luận: "Khi một đất nước có thể chế vững chắc để thực thi luật định, đảm bảo trách nhiệm của chính phủ và kiểm soát tham nhũng thì nguồn đầu tư sẽ sinh sôi và tăng trưởng".
Từ đó, cuốn sách kết luận, thể chế vững chắc là yếu tố thiết yếu đảm bảo quản lý tốt nguồn vốn thiên nhiên.
Bạch Dương (Theo: World Bank).