Ngày Môi trường thế giới (WED) là một sự kiện thường niên về môi trường được tổ chức rộng rãi trên khắp toàn cầu. Các hoạt động hưởng ứng WED diễn ra quanh năm nhưng lên đến cao trào vào ngày 05 tháng 6, thu hút đông đảo mọi người tham gia. Thông qua WED, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) có thể cá nhân hóa các vấn đề môi trường và giúp mọi người nhận ra không chỉ trách nhiệm mà còn quyền lực của mình trong việc thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường.
Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 2011
Năm 2011 được Liên hợp quốc chọn là năm quốc tế về rừng. Do vậy, UNEP đã lựa chọn chủ đề chính thức cho WED 2011 là Forests: Nature At Your Service (tạm dịch là "Rừng: thiên nhiên trong dịch vụ của bạn").
Rừng bao phủ 1/3 diện tích bề mặt lục địa trái đất, thực thi nhiều dịch vụ và chức năng thiết yếu duy trì sự sống trên khắp hành tinh của chúng ta. Sinh kế của khoảng 1,6 tỷ người phụ thuộc vào rừng. Rừng là lá phổi xanh khổng lồ, hấp thụ khí cacbonic và giải phóng oxy vào khí quyển. Do vậy, rừng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Rừng lưu giữ nguồn nước nuôi dưỡng các con sông và bảo vệ nguồn cung cấp nước cho gần 50% nhu cầu của các thành phố lớn nhất toàn cầu. Rừng tạo ra và duy trì độ phì của đất và giúp giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai. Với vẻ đẹp bí ấn và hùng vĩ, các cánh rừng là những hệ sinh thái có độ đa dạng sinh học cao nhất trên đất liền, là ngôi nhà chung của hơn một nửa số động vật và thực vật trên cạn. Rừng cũng cung cấp chỗ ở, việc làm, an ninh và góp phần hình thành văn hóa cho các cư dân sống phụ thuộc vào rừng.
Rừng đã thể hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ vai trò không thể thay thế trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, bất chấp tất cả lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe mà rừng ban tặng, chúng ta đang tàn phá rừng không thương tiếc. Mỗi năm, 13 triệu ha rừng bị phá hủy. Diện tích này tương đương với diện tích của Bồ Đào Nha.
Những đầu tư ngắn hạn để đạt được lợi ích trước mắt (ví dụ: khai thác gỗ) gia tăng những tổn thất này. Những người có sinh kế phụ thuộc vào rừng đang đấu tranh để sinh tồn. Nhiều loài quý hiếm đối mặt với thảm họa tuyệt chủng. Đa dạng sinh học đang dần bị xóa sổ. Hơn nữa, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã chứng minh rằng với việc không tích hợp các giá trị của rừng vào ngân sách của mình, các quốc gia và doanh nghiệp đang phải trả một giá cao. Và cuối cùng, điều này đang khiến tất cả chúng ta dần bị nghèo đi cũng như gây tổn hại liên tục đến hệ thống hỗ trợ sự sống rừng.
Nhưng xu hướng này không phải là không thể đảo ngược. Chưa là quá muộn để thay đổi cuộc sống của chúng ta để có một tương lai xanh hơn như ở những nơi rừng là trung tâm của phát triển bền vững và nền kinh tế xanh. Bảo tồn và phát triển rừng cần được thừa nhận là một cơ hội kinh doanh. Một khoản đầu tư 30 tỷ USD chống nạn phá rừng có thể mang lại 2500 tỷ USD trong các sản phẩm và dịch vụ mới.
Hơn nữa, đầu tư cho lâm nghiệp có thể tạo ra lên đến 10 triệu việc làm mới trên khắp thế giới. Hiện nay, nhiều nhà lãnh đạo đã bắt đầu chú ý đến tiềm năng của năng lượng và tài nguyên tái tạo. Nhưng để sự biến đổi thực sự xảy ra, rừng cần phải trở thành một ưu tiên chính trị phổ quát.
Rừng cung cấp những dịch vụ cơ bản đáp ứng mọi khía cạnh của chất lượng cuộc sống chúng ta. Và giải pháp cho quản lý rừng bền vững, hướng tới một nền kinh tế xanh, nằm trong tay chúng ta.
Chủ nhà của Ngày môi trường thế giới 2011
Ấn Độ đã được chọn là chủ nhà của Ngày môi trường thế giới năm 2011. Đây là quốc gia đứng thứ bảy về diện tích (3,28 triệu km2) và đông dân thứ hai trên thế giới với khoảng 1,2 tỷ người. Phần lớn người dân theo đạo Hindu. Đất nước này phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường nghiêm trọng liên quan đến gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa ngoài vòng kiểm soát, và sự mở rộng ồ ạt của nông nghiệp. Các vấn đề môi trường bao gồm phá rừng, ô nhiễm, suy thoái tài nguyên nước và buôn bán động vật hoang dã. Ấn Độ đang tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các vấn nạn này trong khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Ông Jairam Ramesh - Bộ trưởng Bộ Môi trường và Rừng của Ấn Độ phát biểu rằng "Không có một quốc gia nào trên thế giới phải chịu nhiều tổn thương ở nhiều mức độ như Ấn Độ. Điều này khiến chúng ta phải có những đánh giá dựa trên các bằng chứng vững chắc về tác động của biến đổi khí hậu… Chúng ta phải tiếp tục tập trung vào nghiên cứu sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu".
Hai trong số các loài quý hiếm được tìm thấy ở Ấn Độ là Voọc Vàng (Golden Langur), được phát hiện lần đầu tiên vào thập niên 50 của thế kỷ XX, và hổ Royal Bengal. Voọc Vàng là loài linh trưởng nguy cấp nhất ở Ấn Độ, được đặt tên theo màu lông tuyệt đẹp. Loài khỉ này thích ẩn mình và ăn lá trên các ngọn cây cao, ít khi xuống đất. Các nhà khoa học ước tính rằng Ấn Độ có khoảng 1500 trong số 8000 cá thể Voọc Vàng còn tồn tại trên trái đất. Con số này tương đương với 30% số cá thể bị biến mất trong 30 năm qua. Mối đe dọa chính cho loài khỉ này là sự mất nơi sống do rừng bị phá hủy.
Voọc Vàng (Golden Langur)
Hổ Royal Bengal
Năm nay, chủ đề của WED nhấn mạnh sự cần thiết phải vừa bảo tồn và sử dụng bền vững rừng. Bộ Môi trường và Rừng Ấn Độ hỗ trợ cho sáng kiến này và cho đến nay đã có 39 khu bảo vệ các loài hổ và 5 trong số đó dành nhiều hơn cho tương lai gần.
WED năm nay sẽ giúp nâng cao nhận thức về tác động nghiêm trọng của nạn phá rừng và suy thoái rừng. Điều này rất cần thiết để bảo vệ nơi sống cho các loài như Voọc Vàng. Nỗ lực hành động của các chính phủ và sự thay đổi nhận thức của cộng đồng trên khắp thế giới sẽ giúp bảo tồn các hệ sinh thái và khuyến khích sử dụng rừng bền vững.
Hoàng Hà Nam (Theo UNEP).