Ngày 19/04/2011, Văn phòng Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết vừa phát hiện một loài chuồn chuồn mới tại Việt Nam trong đợt điều tra tại Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang).
            Ông Đỗ Mạnh Cường (chuyên gia bảo tồn các loài chuồn chuồn IUCN tại VN) và Bùi Hữu Mạnh (nhà sinh học, chuyên gia bảo tồn của WAR) là hai người đã phát hiện ra loài chuồn chuồn mới này.
            Đây là loài chuồn chuồn tràm (tên khoa học là Aethriamanta aethra). Con đực và con cái loài này có màu sắc khác nhau. Con đực trưởng thành có màu tím than xen kẽ với màu đen; trong khi con cái có màu vàng rơm với các mảng đen mặt lưng, các đốt bụng. Con đực chưa trưởng thành có màu vàng nhạt trước khi chuyển thành dạng tím than sẫm.
 
 
 
Chuồn chuồn tràm - Aethriamanta aethra
 
            Theo WAR, phát hiện này cho thấy khả năng còn có nhiều loài chuồn chuồn mới chưa được phát hiện tại các vùng đất ngập nước phía Nam.
            Trong thời gian tới, WAR sẽ nghiên cứu sâu hơn về phân bố của loài này tại các vùng đất ngập nước phía Nam, cũng như điều tra toàn diện khu hệ chuồn chuồn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng.
            Kết quả điều tra sẽ giúp các nhà bảo tồn đưa ra chiến lược thích hợp về bảo tồn đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước nói chung và các loài chuồn chuồn ở khu vực nói riêng. Trước đây chuồn chuồn tràm chỉ được ghi nhận ở một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia...
 
Theo: Trần Duy - Báo Tuổi trẻ.