Loài người đã bước vào thời đại công nghiệp với dân số lên đến một tỷ người cùng với sự phong phú chưa từng có về đa dạng sinh học (tổng số gen, loài và các hệ sinh thái trên trái đất). Tài nguyên sinh học - một bộ phận của đa dạng sinh học có hoặc có thể có giá trị sử dụng cho con người - đã từng được khai thác tự do cho quá trình phát triển của loài người.
Các giới hạn của tài nguyên sinh học
Vào đầu thế kỷ 21, chúng ta đã nhận thấy tài nguyên sinh học là có giới hạn, và chúng ta đang khai thác vượt quá những giới hạn này, do đó đang làm giảm tính đa dạng sinh học. Vì vậy, đã đến lúc phải có sự thay đổi triệt để trong mối quan hệ giữa con người và tài nguyên sinh học mà đời sống của con người phụ thuộc vào.
Mỗi năm, dân số loài người ngày càng tăng hơn so với trước đây, các loài đang bị diệt vong với tốc độ nhanh nhất được biết tới trong lịch sử địa chất, và khí hậu đang thay đổi ngày càng nhanh hơn so với trước đây. Hiện nay, tỷ lệ tăng dân số đang ở mức lớn hơn bao giờ hết, trong khi tốc độ tuyệt chủng của các loài lai ở mức cao nhất trong lịch sử địa chất và khí hậu đang thay đổi ngày càng nhanh.
Các hoạt động của con người đang ngày càng làm suy giảm khả năng chu cấp cho sự sống của trái đất, trong khi sự tăng dân số và nhu cầu tiêu dùng lại đòi hỏi ngày càng nhiều tài nguyên từ thiên nhiên.
Những tác động có tính huỷ diệt cùng lúc gây ra bởi một số lượng lớn những người nghèo khó đang phải vật lộn với cuộc sống và một số ít người giàu có nhu cầu sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên đang dần phá vỡ sự cân bằng vốn đã và đang tồn tại, ít nhất ở quy mô toàn cầu, giữa nhu cầu tiêu thụ tài nguyên của con người và khả năng đáp ứng của trái đất.
Sự xói mòn các hệ thống hỗ trợ cuộc sống của hành tinh sẽ còn tiếp diễn cho đến khi con người cân bằng được các nhu cầu của mình với các quá trình và khả năng đáp ứng của các nguồn tài nguyên và do đó các hoạt động của con người trở nên bền vững lâu dài.
Do đó, các vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học không thể tách rời với các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội .
Bảo tồn tính đa dạng
Do môi trường ngày càng bị thay đổi, vấn đề bảo tồn tối đa tính đa dạng sinh học trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tính đa dạng về di truyền, loài và hệ sinh thái cung cấp những nguyên liệu để các cộng đồng người khác nhau thích nghi ddược với sự thay đổi, và sự suy giảm của mỗi loài sẽ giảm bớt khả năng thích nghi với những điều kiện thay đổi của thiên nhiên cũng như con người.
Những vùng nhiệt đới chứa đựng phần lớn đa dạng sinh học của trái đất. Các nước công nghiệp cũng phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của vùng nhiệt đới, chẳng hạn như nguồn nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, nguồn thức ăn, dược phẩm, nơi du lịch giải trí, cũng như rất nhiều những nguồn lợi hữu hình và vô hình khác.
Tuy nhiên, trong khi việc khai thác tài nguyên ở vùng nhiệt đới mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nước công nghiệp, thì những đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn và phí tổn về môi trường bởi hoạt động khai thác quá mức lại không được thực hiện một cách tương xứng.
Trong nhiều nhân tố khác nhau thì vấn đề nhân công rẻ mạt, nguồn nguyên liệu với giá thấp không phản ánh hết giá trị thực của chúng, đầu tư phát triển, kiểm soát giá cả hàng hoá và lãi suất không hợp lý đã đẩy nhanh mức độ suy thoái và phá huỷ tài nguyên hơn nhiều so với các trường hợp khác.
Tình trạng này đang tiếp tục xấu đi do hậu quả của các cuộc khủng hoảng nợ của các nước đang phát triển và lãi suất cao.
Do vậy, các chính phủ, ngành công nghiệp, các cơ quan phát triển và dân chúng đang ngày càng quan tâm đến sự suy thoái tài nguyên sinh học, với nhận thức rằng sự phát triển phải phụ thuộc vào công tác bảo tồn nguồn tài nguyên này.
Các vấn đề trong công tác bảo tồn
Làm thế nào huy động được kiến thức khoa học phục vụ cho công tác bảo tồn?
Làm thế nào quản lý được các quá trình biến đổi để tài nguyên sinh học có thể đóng góp tối đa cho quá trình phát triển bền vững?
Cần những thông tin gì để phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học?
Vấn đề nào cần được chú ý trước tiên?
Làm thế nào để phối hợp một cách có hiệu quả nhất các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học?
Có thể tìm được nguồn tài chính từ đâu để đáp ứng những vấn đề này ở một quy mô tương xứng với vấn đề?
Các lý do của việc bảo tồn đa dạng sinh học
Các lý do của việc bảo tồn đa dạng sinh học được đặt ra từ nhiều góc độ khác nhau và tuỳ thuộc vào các yếu tố văn hoá và kinh tế. Rất nhiều lý do của việc bảo tồn đa dạng sinh học đã được đưa ra và có xu hướng trở nên ngày càng trở nên khó nắm bắt. Các mục tiêu bảo tồn khác nhau có các đối tượng và quy mô được bảo tồn khác nhau. Trong số những mục tiêu đó có thể kể đến:
Phục vụ cho mục đích sử dụng trong hiện tại và tương lai các nhân tố của đa dạng sinh học như các nguồn tài nguyên sinh học.
Phục vụ cho việc duy trì sinh quyển trong trạng thái có thể hỗ trợ cho cuộc sống con người.
Phục vụ bảo tồn bản thân đa dạng sinh học mà không vì một mục đích nào khác, đặc biệt tất cả các loài đang sống hiện nay.
Đa dạng sinh học là một nguồn tài nguyên: Rõ ràng là đa dạng sinh học ở một mức độ nào đó có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ sở vật chất cho cuộc sống con người: ở mức độ này, nó duy trì sinh quyển như một hệ thống chức năng, ở một mức độ khác, nó cung cấp các vật liệu cơ bản cho nông nghiệp và và nhu cầu thiết thực khác.
Thức ăn: Giá trị sử dụng trực tiếp và quan trọng nhất của các loài là dùng làm thức ăn. Mặc dù một số lượng tương đối lớn các loài thực vật, khoảng vài nghìn có thể được dùng làm thực phẩm, và một số lượng lớn hơn có thể ăn được, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong số đó là có vai trò quan trọng về dinh dưỡng ở cấp độ toàn cầu, và chỉ có rất ít được sử dụng phổ biến trong thương mại. Cũng tương tự như vậy, rất nhiều loài động vật có thể ăn được (phần lớn các loài cá), nhưng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ có vai trò quan trọng về dinh dưỡng trên toàn cầu. Một số loài, chủ yếu là động vật có vú được sử dụng trong chăn nuôi, và một ít trong số đó là có tầm quan trọng toàn cầu.
Rõ ràng muốn đạt được hiệu quả trồng trọt trên quy mô lớn đòi hỏi phải có sự tham gia của một tập hợp các loài sinh vật khác (trước hết là các vi sinh vật đất, và trong một số trường hợp là các sinh vật giúp thụ phấn) nhưng chúng lại chiếm một tỷ lệ không đáng kể trong hệ thống đa dạng sinh học toàn cầu. Các hệ thống sản xuất nông nghiệp cao sản cũng cần được diệt trừ hoàn toàn một số thành phần của đa dạng sinh học (chẳng hạn các loài sâu bệnh) ở khu vực canh tác đó.
Trong khi chỉ có một phần tương đối nhỏ của đa dạng sinh học được sử dụng trong sản xuất thực phẩm mang tính thương mại, hiện tượng biến đổi khí hậu, được coi là chắc chắn sẽ xảy ra và sẽ làm biến đổi các thảm thực vật và hệ thống nông nghiệp trên quy mô lớn, đã tập trung sự quan tâm đến nhu cầu bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật nhằm đảm bảo năng suất cây trồng trong các chế độ khí hậu khác nhau. "Giá trị đảm bảo" này của tính đa dạng cũng hiện hữu rõ ràng trong điều kiện hiện nay với mối tương quan giữa hiện tượng bộ gen cây trồng ngày càng bị đồng nhất với hiện tượng biến thiên năng suất mùa màng.
Dược phẩm: Các loại dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ sức khoẻ trên phạm vi toàn cầu. Ước tính 80% dân số của các nước kém phát triển trông cậy vào các dược phẩm truyền thống trong việc chăm sóc sức khoẻ; và sự phụ thuộc này không hề giảm đi kể cả khi có mặt các loại tây dược. Khoảng 120 hoá chất được chiết xuất thành dạng tinh khiết từ 90 loài sinh vật đang được dùng trong y học trên toàn thế giới. Khá nhiều trong số đó không thể sản xuất nhân tạo được: digitoxin khích thích hoạt động tim, một thuốc trợ tim phổ biến nhất của đông y, được chiết xuất trực tiếp từ cây Mao địa hoàng (Digitalis); vincristine nhân tạo, được dùng để điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em chỉ đạt 20% hiệu quả của sản phẩm tự nhiên có nguồn gốc từ cây Catharanthus roseus (Rosy Periwinkle).
Cùng với nông nghiệp, và việc từ bỏ y học truyền thống, hiện tại chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ đa dạng sinh học trên thế giới có đóng góp cho chăm sóc sức khoẻ trên phạm vi toàn cầu. Nhiều dẫn chứng về những tiến bộ về công nghệ trong công nghiệp dược phẩm, và cụ thể có liên quan đến việc chế tạo và sản xuất dược phẩm nhân tạo, sẽ có nghĩa là đóng góp này sẽ giảm nhiều hơn là tăng. Tuy nhiên, tính đa dạng tự nhiên có thể ngày càng có giá trị đối với việc chế tạo ra những dược phẩm nhân tạo mới.
Những giá trị vật chất khác của đa dạng sinh học:
- Nhiều hệ sinh thái tự nhiên hoặc bán tự nhiên, một số trong đó có thể có tính đa dạng sinh học cao, có giá trị đáng kể đối với con người, chẳng hạn như:
- Vai trò của rừng trong việc điều chỉnh và ổn định đất trên vùng đất dốc của lưu vực sông.
- Vai trò ổn định bờ biển và làm bãi đẻ và sinh sống cho nhiều loài cá của rừng ngập mặn.
- Vai trò quan trọng của các rạn san hô đối với sự tồn tại của ngành ngư nghiệp.
- Vai trò tạo nguồn thu nhập từ du lịch sinh thái của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ làm vườn quốc gia.
Nhưng nhìn chung, những giá trị này chỉ có quan hệ gián tiếp với đa dạng sinh học. Điều này có nghĩa là những chức năng này chỉ cần một mức độ phong phú nào đó về loài mà không có sự tương hỗ trực tiếp giữa giá trị của hệ sinh thái với tính đa dạng của nó cũng như với sự tồn tại của một tập hợp loài nhất định. Do đó, tuy các hệ sinh thái rừng ngập mặn nhìn chung thường có tính đa dạng thấp hơn hệ sinh thái rừng đất thấp liền kề nhưng xét về mặt tài nguyên thì chúng cũng có giá trị tương đương. Các thảo nguyên vùng đông và nam phi có vai trò quan trọng trong việc sinh lợi từ du lịch lại có tính đa dạng thấp hơn so với các khu rừng ẩm của các nước này nơi có giá trị về du lịch kém hơn nhiều.
Nguyên tắc phòng ngừa
Một điều rõ ràng là tuy con người chỉ sử dụng một phần tương đối nhỏ của đa dạng sinh học nhưng các thành phần khác của đa dạng sinh học vẫn có giá trị bởi nhiều lý do:
- Chúng có các giá trị không được sử dụng hoặc không biết đến vào thời điểm hiện thời nhưng có thể có ích cho loài người nếu những giá trị này được phát hiện và khai thác.
- Chúng có thể trở nên hữu ích hoặc quan trọng vào một lúc nào đó trong tương lai bởi sự thay đổi của hoàn cảnh.
Những lý do này cho thấy sự cần thiết phải sử dụng nguyên tắc phòng ngừa trong bảo tồn đa dạng sinh học tức là cần phải bảo vệ các nguồn tài nguyên có hoặc có thể có giá trị đơn giản vì chúng ta chưa biết hết được các giá trị của chúng. Tuy nhiên, mặc dù biện pháp phòng ngừa này có khả năng áp dụng rộng rãi nhưng vẫn có những giới hạn. Nó dựa trên những ước tính về giá trị tiềm năng của một nhân tố đa dạng sinh học nào đó, giá trị này cần được cân bằng với chi phí hiện tại của việc duy trì hoặc hạn chế sự phá huỷ chúng. Do đó, khi vai trò của một yếu tố nào đó của đa dạng sinh học chưa được xác định thì hiển nhiên nó chỉ có một giá trị giới hạn và do đó có khả năng các chi phí phát sinh của việc duy trì thành phần đó sẽ vượt quá lợi ích thực sự mà nó mang lại. Do các chí phí và lợi ích này hiếm khi được xác định chính xác, có thể thấy là những tính toán nêu trên bao hàm các ước lượng về xác xuất và rủi ro.
Kết luận về các giá trị tài nguyên
Theo kinh nghiệm và lý thuyết sinh thái học đại cương có thể thấy rằng không xảy ra trường hợp một loài đơn lẻ có vai trò không thể thiếu được đối với việc duy trì các chức năng sinh thái cơ bản trên qui mô toàn cầu và nhìn chung nếu một loài càng trở nên hiếm đi thì vai trò của loài đó đối với các chức năng sinh thái càng giảm. Nói một cách khác, tất cả các loài đều có một giá trị tài nguyên giới hạn và tuy giá trị này có thể đạt rất cao đối với một số loài nhưng nếu loài đó bị suy giảm thì giá trị này cũng giảm về không.
Cũng tương tự như vậy đối với các loài có thể có giá trị sử dụng trực tiếp cho con người, chủ yếu là thực phẩm và làm thuốc. Một bộ phận lớn của các loài này có thể được coi là có ít tiềm năng. Kinh nghiệm cho phép chúng ta xác định được những nhóm phân loại có khả năng có giá trị cao (chẳng hạn như các giống hoang dại của cây trồng và các họ thực vật nào đó có giá trị làm thuốc).
Từ những phân tích nêu trên có thể rút ra là xét cho cùng thì giá trị của các loài cũng chỉ là giá trị tài nguyên và do đó có thể nâng cao hiệu quả đầu tư nếu:
- Duy trì các hệ thống và các vùng đa dạng loài hơn là các vùng nghèo về loài.
- Duy trì các loài được biết là hữu ích, hoặc được coi là có thể có giá trị sử dụng cao, hơn là duy trì những loài khác.
Những kết luận này cho thấy bản thân các giá trị tài nguyên của đa dạng sinh học và nhất là cách tiếp cận chi phí - lợi ích không biện minh cho cách tiếp cận bảo tồn trên diện rộng mà nhiều người đang theo đuổi . Những lý luận đó tất nhiên là có những hạn chế về ứng dụng và các yếu tố giới hạn và khi sử dụng những luận điểm đó cần phải có sự cảnh báo cẩn thận nhất là khi ngoại suy từ một trường hợp cụ thể (thuyết minh cho việc duy trì một loài nào đó hoặc một mức đa dạng nào đó) cho một trường hợp tổng quát (toàn bộ đa đạng sinh học vốn đều có giá trị làm tài nguyên và do đó cần được bảo vệ).
Đa dạng sinh học và sinh quyển
Trên phạm vi toàn cầu, các hoạt động của con người đang gây ảnh hưởng đến sinh quyển. Trong tình hình này, cần phải đưa ra được một giới hạn mà tại đó sự mất mát về đa dạng sinh học sẽ góp phần cùng những thay đổi kể trên ảnh hưởng đến con người.
Một trong những biến đổi toàn cầu rõ ràng nhất là sự xáo trộn chu trình cacbon, dẫn đến sự tăng đều đặn mức CO2 trong khí quyển. Mặc dù hiện tại chưa thể dự đoán hết được, nhưng điều này sẽ có tác động mạnh mẽ đến khí hậu toàn cầu và đến lượt mình, hiện tượng này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ con người.
Một nguyên nhân quan trọng của vấn đề này là có thể quy cho các quá trình sản xuất công nghiệp, đặc biệt những ngành sử dụng nhiên liệu hydrocacbon hoá thạch để tạo năng lượng. Tuy nhiên, sự biến đổi các hệ sinh thái tự nhiên và nửa tự nhiên vốn có cũng rất quan trọng. Đặc biệt sự phá huỷ các rừng ẩm nhiệt đới trên quy mô rộng cũng có liên quan, trong việc làm gia tăng lượng CO2 trong khí quyển do đốt rừng và việc giảm khả năng cố định cacbon của sinh quyển. Những hậu quả nghiêm trọng đối với con người của biến đổi khí hậu toàn cầu và vai trò của việc giảm tốc độ mất rừng vẫn là sự tranh luận.
Tuy nhiên, vấn đề tập trung của tranh luận này là việc coi rừng ẩm nhiệt đới là "rừng" hơn là "hệ sinh thái có tính đa dạng cao". Tính đa dạng ở đây chỉ quan trọng khi có đóng góp cho các chức năng của hệ thống như một bồn chứa cacbon và cách lập luận này cũng áp dụng cho các hệ thống khác có khả năng cố định cacbon cao tương tự, chẳng hạn như các đầm lầy nước ngọt nhiệt đới, mặc dù chúng có tính đa dạng kém hơn rất nhiều so với rừng ẩm nhiệt đới. Nói chung, có mối liên hệ không trực tiếp hoặc không rõ ràng giữa tầm quan trọng của một hệ sinh thái trong việc duy trì các quá trình sinh thái học toàn cầu và tính đa dạng của nó, mặc dù nhiều nghiên cứu đã được tiến hành.
Hoàng Hà Nam (Theo agbiotech.com)