Các nhà khoa học cho biết vừa tái phát hiện một trong những loài rái cá hiếm nhất thế giới nhờ đặt những chiếc bẫy ảnh tự động tại đảo Borneo thuộc chủ quyền 3 nước Brunei, Indonesia và Malaysia.
            Theo hãng tin BBC (Anh), đó là loài rái cá lông mũi (the hairy-nosed otter), có tên khoa học là Lutra sumatrana, đã chụp được tại Khu bảo tồn rừng Deramakot, bang Sabah, Malaysia. Các hồ sơ ghi nhận lần cuối cùng con người nhìn thấy loài rái cá lông mũi tại Sabah đã cách đây hơn 100 năm và hoàn toàn "biến mất" khỏi Borneo sau khi một cá thể trưởng thành của loài rái cá này phát hiện bị cán chết bởi một chiếc xe hơi vào năm 1997.
            Loài rái cá lông mũi chỉ được tìm thấy tại một ít các địa điểm bên ngoài đảo Borneo. Các chuyên gia đã xác nhận đó thực sự là loài rái cá lông mũi sau khi kiểm tra kỹ hình ảnh giữa nó và 2 loài rái cá khác là rái cá lông mượt Lutrogale perspicillata và rái rá vuốt bé châu Á Aonyx cinereus. Rái cá lông mũi có các đặc điểm chính để phân biệt 2 loài trên là có cổ trắng, cái đầu dài hơn và bộ lông thì sậm màu hơn. Nó có kích thước trung bình, chiều dài cơ thể khoảng 1,3 m và đạt trọng lượng chừng 7 kg, các chân có màng bơi đầy đủ với móng vuốt phát triển tốt.
            BBC cho biết hình ảnh rái cá lông mũi được "chộp" bởi một chiếc bẫy ảnh tự động (camera trap) - một trong nhiều chiếc được đặt trong và xung quanh khu bảo tồn rừng Deramakot trong suốt 2 năm qua. Đây là một phần của Bảo tồn các loài động vật ăn thịt ở Sabah (ConCaSa) - dự án được khởi xướng bởi Viện nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã Leibniz (IZW), Đức với sự phối hợp của Chi cục Bảo vệ Động vật hoang dã và Chi cục Lâm nghiệp ở Sabah.
 
 
Cá thể trưởng thành rái cá lông mũi Lutra sumatrana - Ảnh: Andreas Wilting
 
            Hiện rái cá lông mũi được liệt kê ở mức "nguy cấp" trong Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và được xem là một trong những loài rái bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới. Nhiều cá thể trưởng thành đã được tìm thấy tại một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, nhưng hầu hết chúng bị săn bắt để lấy thịt và sử dụng trong y học cổ truyền. Ngoài ra, ô nhiễm, mất môi trường sống và khan khiếm con mồi do bị đánh bắt quá mức cũng làm cho "dân số" loài rái cá này bị suy giảm "một nữa" trong 30 năm qua.
            Ông Datuk Sam Mannan, giám đốc Chi cục Lâm nghiệp ở Sabah cho biết: "Đây là một tin tức mới tuyệt vời và may mắn cho Khu bảo tồn rừng Deramakot, Sabah. Phát hiện cho thấy việc quản lý rừng bền vững lâu dài là một trong những điều quan trọng cần phải làm để bảo tồn các loài động vật bị đe dọa của khu vực và bảo vệ đa dạng sinh học tại các rừng nhiệt đới thuộc đảo Borneo".
            Thông tin chi tiết của việc phát hiện này đã được xuất bản trong Tạp chí Bảo tồn các loài động vật ăn thịt nhỏ - một ấn phẩm của Ủy ban Vì sống còn của loài (SSC) thuộc IUCN.
            Những bẫy ảnh tự động đặt trong Khu bảo tồn rừng Deramakot còn chụp được 5 loài thuộc họ Mèo (bao gồm báo gấm Borneo Neofelis diardi, beo Borneo Catopuma badia, mèo gấm Pardofelis marmorata, mèo báo Prionailurus bengalensis và mèo đầu phẳng Prionailurus planiceps) và 13 loài động vật ăn thịt khác, trong đó có loài gấu chó Helarctos malayanus. Quá trình nghiên cứu cũng đã quay được đoạn phim đầu tiên về loài cầy rái cá Cynogale bennettii.
            Dưới đây là hình ảnh một số loài chụp được nhờ đặt bẫy ảnh tự động tại Khu bảo tồn rừng Deramakot - Ảnh: Andreas Wilting.
 
 
Cầy rái cá Cynogale bennettii
 
 
Cầy Mã Lai Viverra tangalunga
 
 
Bầy rái rá vuốt bé châu Á Aonyx cinereus
 
 
Lửng hôi Mydaus javanensis
 
 
Rái cá lông mượt Lutrogale perspicillata
 
 
Cầy vằn nam Hemigalus derbyanus
 
Hoàng Hà Nam (Theo BBC, news.mongabay.com).