Từ 10/08/2010, hàng hóa có chứa sinh vật biến đổi gene (SVBĐG), sản phẩm của SVBĐG trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần và các thông tin liên quan đến SVBĐG phải được ghi trên nhãn hàng. Đây là nội dung quan trọng trong Nghị định về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.
            Theo nghị định này, SVBĐG được phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi nếu được Hội đồng an toàn thực phẩm biến đổi gene (là tổ chức tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế, gồm đại diện các bộ Công Thương, KH-CN, NN-PTNT, TN-MT, Y tế và một số chuyên gia) xác nhận không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khỏe con người, vật nuôi; được các nước phát triển cho phép dùng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi trong ít nhất 5 năm và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó.
            Ngoài ra, SVBĐG đó phải được khảo nghiệm trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, được Bộ NN-PTNT công nhận đạt yêu cầu, được Hội đồng an toàn sinh học kết luận an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học.
            SVBĐG khi được phóng thích (nuôi, trồng, thả có chủ đích vào môi trường) phải được khảo nghiệm từng bước, từ hạn chế đến diện rộng nhằm đánh giá ảnh hưởng của chúng với môi trường và đa dạng sinh học trong điều kiện cụ thể của Việt Nam với các biện pháp cách ly và giám sát phù hợp.
 
 
Nhiều loại rau quả ở siêu thị là thực phẩm biến đổi gene song không được gắn nhãn
(ảnh: Như Ý)
 
            Khi phát hiện SVBĐG gây rủi ro với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi mà không kiểm soát được, phải chấm dứt khảo nghiệm và áp dụng các biện pháp khẩn cấp để xử lý rủi ro, tiêu hủy chúng.
            Hoạt động nghiên cứu tạo ra, phân tích, thử nghiệm cách ly SVBĐG, sản phẩm của SVBĐG chỉ được phép thực hiện tại phòng thí nghiệm nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen được Bộ KHCN công nhận.
            Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về Giấy chứng nhận an toàn sinh học, theo đó giấy chứng nhận này sẽ bị xem xét thu hồi khi có bằng chứng khoa học mới về rủi ro của SVBĐG đã được cấp gấy chứng nhận; tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp sai thông tin có tính chất quyết định cho việc cấp gấy chứng nhận; có bằng chứng chứng minh kết luận của Hội đồng an toàn sinh học là thiếu cơ sở khoa học.
            Nhận định về việc SVBĐG được phép sử dụng làm thực phẩm cũng như về năng lực xác định SVBĐG có thể gây hại hay không, GS Sinh học Nguyễn Lân Dũng cho rằng hiện Việt Nam chưa có đủ trình độ để sản xuất và đánh giá tính an toàn của SVBĐG và các sản phẩm của SVBĐG, mà phần lớn đều nhập của các nước tiên tiến. "Trong khi đó, cuộc chiến giữa các nước phát triển như Mỹ hay EU chỉ là cuộc chiến thương mại chứ chưa có bằng chứng về tác động của SVBDG và sản phẩm chứa SVBĐG đối với sức khỏe con người, động vật và sinh thái", GS Nguyễn Lân Dũng cho biết.
            Với sự ra đời của Nghị định trên, tình trạng "nhập nhèm" thực phẩm biến đổi gene tới đây có thể được chấm dứt. Theo Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest3), khảo sát ngẫu  nhiên ở 17 chợ, siêu thị trên địa bàn TP HCM hồi đầu năm 2010 cho thấy,  111/323 mẫu thực phẩm gồm: bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua… chọn ngẫu nhiên được kiểm nghiệm cho kết quả là sản phẩm biến đổi gene.
 
Hoàng Hà Nam (Theo Đất Việt)