Nguyễn Lê Ái Vĩnh - CBGD Khoa Sinh học
 
            Mặc dù vô cùng bận rộn, nhưng nghĩ đến hạn chót mà người ta hẹn đưa ra phán quyết về giải pháp bảo vệ Cụ Rùa, tôi lại chắp bút chia sẻ cùng bạn đọc đôi điều về công tác cứu hộ rùa từ những trải nghiệm thực tế của mình.
            Tháng 2 năm 2000, khi tôi bước chân đến làm việc cho Trung tâm Cứu hộ Rùa Cúc Phương (Dự án Bảo tồn Rùa Việt Nam) thì con Giải đã được đưa về trước đó một thời gian rồi. Con Giải lúc đó cũng đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà bảo tồn trong nước và quốc tế.
            Con Giải hay con Thuồng Luồng là tên gọi dân gian chỉ những con rùa mai mềm nước ngọt cỡ lớn, trong đó có Cụ Rùa hồ Gươm. Còn con Giải mà tôi nhắc đến ở đây được xác định là loài Pelochelys cantorii.
            Dù là loài nào thì những con rùa khổng lồ này đều đang bị đe dọa nghiêm trọng và đặc tính sinh học của chúng rất khác với những loài ba ba bình thường được nuôi thành trang trại. Người ta có thể thấy ba ba trong sông, hồ, đến cả những ao bùn bé xíu nhưng nhiều người chỉ nghe nói đến con Giải mà chưa từng nhìn thấy, vì loài này chỉ sống trong những hồ nước rộng lớn mà thôi.
 
 
 
Loài Pelochelys cantorii (Ảnh: Panda.org)
 
            Bất cứ một người nông dân nào cũng có thể nuôi được ba ba, trong khi đó những người có kinh nghiệm chăm sóc con Giải trong điều kiện nuôi nhốt trên toàn thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, nếu so sánh việc chăm sóc những con Giải lớn như Cụ Rùa với những con ba ba kia thì thật khập khiễng.
            Chúng tôi đã nuôi con Giải trong một bể xi măng lớn, có bãi cát nhỏ cho nó phơi nắng, thả bèo làm nơi ẩn trốn và che ánh nắng. Nước trong bể được thay hàng tuần, thức ăn được cho hàng ngày, hạn chế người qua lại nơi nó sống. Những lúc trời rét đậm nó được sưởi ấm bằng đèn hồng ngoại. Tất cả số liệu sinh thái đều được ghi chép hàng ngày. Chúng tôi đã chăm sóc nó ở mức tốt nhất có thể với sự tư vấn của các nhà khoa học và bác sĩ thú y trên thế giới.
            Mặc dù nó bơi lội, ăn và hoạt động hàng ngày bình thường nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự tù túng mà nó đang gặm nhấm khi phải sống trong cái bể bé nhỏ kia. Trong khi chúng tôi đang nghĩ về việc xây dựng một khu chuồng bán tự nhiên, nơi có hồ nước rộng, có bãi bùn, bãi cát, có nhiều cây cối… cho con Giải vẫy vùng, thì chúng tôi thấy con Giải nổi nhiều hơn, rồi nổi toàn thân trên mặt nước.
            Sau một thời gian, nó nổi mà không bao giờ lặn nữa. Tôi đã đắp cho nó một nấm mồ mà vẫn chưa hiểu tại sao nó chết.
            Trung tâm chúng tôi tiếp tục trải qua những thăng trầm và tôi được đi thực tập, tham quan gần 20 vườn thú và bộ sưu tập rùa tư nhân ở Châu Âu. Tại đó, tôi đã tìm thấy tất cả các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam chỉ trừ những loài Giải. Tôi được thực hành mổ nội soi cho rùa, soi X-quang để ghép xương cho rùa, học cách cho rùa ăn, học tư thế "bế" rùa, cho đến học cách… hót phân cho rùa.
            Ở những nơi tôi may mắn được đến, người ta đã chăm sóc rùa hoàn toàn theo khoa học, đặc biệt họ đã ứng xử với rùa bằng tất cả tình cảm trìu mến và kiến thức mà họ có được. Tôi đã nhận ra rằng con Giải của chúng tôi chết không phải do bệnh tật nào hết mà chỉ vì sự quấy rối của con người, kể từ khi nó bị bắt ngoài tự nhiên.
            Nghĩ về Cụ Rùa hồ Gươm, khi người ta đang bàn luận về giải pháp bảo vệ Cụ, tôi xin được góp mấy nguyên tắc sau, bất luận giải pháp người ta quyết định triển khai là gì:
            - Thứ nhất, phải đặc biệt tôn trọng đặc tính hoang dã của Cụ Rùa. Chắc chắn Cụ chẳng thích con người đụng chạm đến da thịt Cụ. Cụ Rùa cũng có những đặc tính bản năng để tự chữa bệnh nếu con người tạo môi trường sống cho Cụ một cách hợp lý.
            - Thứ hai, trong trường hợp cần sự can thiệp của y khoa thì người ta phải viện đến các liệu pháp khoa học thực sự chứ không phải thứ khoa học nửa vời. Cụ Rùa hồ Gươm không phải là vật thí nghiệm.
            - Cuối cùng, những người trực tiếp làm công tác cứu hộ phải là những người có kiến thức và hiểu biết thực sự về việc chăm sóc các loài Giải. Nếu người ta chỉ biết mỗi năm Cụ Rùa nổi bao nhiêu lần thì cũng chưa đủ. Những người có kinh nghiệm nhất hiện nay cần phải kể đến các nhân viên và nhà khoa học đã tham gia chăm sóc các cá thể rùa Rafetus swinhoei ở Trung Quốc.
            Trước khi chia tay Trung tâm Cứu hộ Rùa Cúc Phương, tôi đã thu lượm tất cả xương của con Giải đem cất vào kho. Và điều tôi lo sợ là các thế hệ sau chỉ có thể nhìn thấy những bộ xương rùa mai mềm khổng lồ trong các bảo tàng mà thôi.
 
Hoàng Hà Nam (Theo: ThienNhien.net).