Ngày 16 tháng 7 năm 1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Nghị định số 375/NĐ thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh, đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử của nền giáo dục Việt Nam. Hai năm sau đó, vào cuối tháng 7 năm 1961, Bộ Giáo dục đã cho phép Phân hiệu mở thêm 3 ngành học mới: Vật lý, Hoá học và Sinh học. Hai tổ bộ môn: Vật lý và Hoá học được thành lập ngay sau đó, riêng tổ bộ môn Sinh học vì chưa có cán bộ nên đến 1962 mới được ra đời với 3 thầy giáo đầu tiên: thầy Trần Văn Hồng, thầy Nguyễn Thái Tự và thầy Vương An Lợi.
            Nhìn lại 50 năm qua, khoa Sinh học - Trường Đại Vinh thực sự đã trưởng thành, liên tục phấn đấu và có nhiều đóng góp.
            Từ chỗ Khoa chỉ có 3 cán bộ giảng dạy, việc giảng dạy chủ yếu do các thầy giáo từ Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) đảm nhận như các thầy: Võ Quí, Mai Đình Yên, Võ Văn Chi, Nguyễn Bá, Cung Đình Lượng, Lê Đình Thái và Nguyễn Quí Tuấn. Đến nay, Khoa đã có 29 cán bộ công chức, trong đó có 5 phó giáo sư, 13 tiến sĩ và 16 thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ hướng dẫn thực hành thí nghiệm ngành Sinh học hiện nay của Nhà trường có 14 người.
            Tiền thân ban đầu chỉ có 2 khoa đến nay Khoa có 5 bộ môn: Động vật - Sinh lý người, Thực vật, Sinh lý - Hoá sinh thực vật, Di truyền - Vi sinh - Phương pháp giảng dạy và bộ môn Môi trường. Đồng thời, Khoa chỉ đào tạo cử nhân Sư phạm, đến nay ngoài cử nhân Sư phạm, Khoa còn đào tạo cử nhân Khoa học và cử nhân Khoa học môi trường ở bậc đại học. Ở bậc sau đại học, Khoa có 4 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 1 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Năm học 2011 - 2012, Khoa có 814 sinh viên, gần 100 học viên cao học và 3 nghiên cứu sinh đang theo học.
            Từ chỗ cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học còn nghèo nàn và lạc hậu, đến nay chúng ta đã xây dựng và nâng cấp 6 phòng thí nghiệm bộ môn, 1 phòng thí nghiệm sinh học trung tâm, 1 phòng nuôi cấy mô thực vật và Bảo tàng sinh học. Với trang thiết bị đồng bộ và khá hiện đại, cùng với độ ngũ cán bộ giảng dạy và kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, tâm huyết với nghề nghiệp là nền tảng vững chắc cho khoa Sinh học không ngừng phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
            Để có được như ngày hôm nay, các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên, học viên sau đại học của Khoa đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ và liên tục phấn đấu.
            Nhớ lại những năm tháng của cuộc chiến tranh ác liệt, cùng với Trường Đại học Vinh, thầy và trò khoa Sinh học đã phải đi sơ tán. Với những phương tiện thô sơ: xe đạp thồ, xe kiến an, xe ba gác, thuyền nan, gồng gánh..., chúng ta đã phải vận chuyển một khối lượng nặng hàng chục tấn gồm: thiết bị thí nghiệm, sách thư viện, đồ dùng cá nhân đến các điểm sơ tán thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá.     Bắt đầu vào tháng 8 năm 1965 chuyển lên Thanh Chương (Nghệ An); tháng 11 năm 1965 rời Thanh Chương ra Hà Trung (Thanh Hoá); tháng 6 năm 1966 rời Hà Trung lên Thạch Thành; tháng 9 năm 1969 lại chuyển về Quỳnh Lưu (Nghệ An) và rồi tháng 5 năm 1975, Khoa mới trở v thành phố Vinh sau 8 năm sơ tán. Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng chính quãng thời gian này đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về tinh thần vượt khó, hăng say trong giảng dạy và học tập, trong nghiên cứu khoa học của thầy và trò khoa Sinh học.
            Trong những năm sơ tán (nhất là ở Quỳnh Lưu), khoa đã nhiều lần tổ chức tiễn đưa một số cán bộ, sinh viên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó, một số sinh viên của Khoa đã hy sinh như liệt sĩ Lê Văn Nhật (sinh viên khoá 10), liệt sĩ Phạm Danh Tuyên (sinh viên khoá 11). Tên các anh sống mãi cùng non sông, đất nước và sáng mãi trong cuốn sổ vàng truyền thống của khoa Sinh học và của Trường Đại học Vinh.
            Kết thúc chiến tranh, Khoa lại phải đối mặt với những khó khăn mới của thời kỳ hậu chiến - đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế. Ba khoá liên tục từ 1981 - 1984, Khoa phải tạm ngừng tuyển sinh. Trong bối cảnh đó, Trường và Khoa đã có chiến lược đúng đắn: duy trì bồi dưỡng sau đại học (hệ cao học cũ), cử cán bộ giảng dạy đi học để nâng cao trình độ và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học. Một loạt đề tài nghiên cứu do cán bộ khoa Sinh học chủ trì đã được triển khai: đề tài cấp Nhà nước về "Đặc điểm sinh học và các yếu tố cấu thành năng suất cây Cọ dầu Hương Sơn Hà Tĩnh" do cố PGS.TS. Trần Văn Hồng chủ trì đã thu hút đông đảo cán bộ trong Khoa tham gia nghiên cứu; các đề tài "Khu hệ cá sông Lam", "Vi khí hậu", "Sinh thái hồ chứa Kẽ Gỗ", "Ấp trứng vịt bằng nhiệt phôi", "Trồng nấm Mộc nhĩ", "Khu hệ tảo các thuỷ vực nước ngọt vùng Bắc Trung Bộ", "Khu hệ lưỡng cư, bò sát; Đa dạng thực vật có mạch và cây thuốc vùng Bắc Trường Sơn", vv... Chính các đề tài này là khởi nguồn cho một loạt các đề tài luận án tiến sĩ của các cán bộ giảng dạy trong Khoa đã được bảo vệ trong và ngoài nước sau này, trong đó mở đầu là luận án của thầy Nguyễn Thái Tự về "Khu hệ cá sông Lam" bảo vệ vào năm 1983 tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.
            Năm 1991, Khoa đã liên kết với khoa Nuôi trồng thuỷ sản của Trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang) mở hệ liên kết đào tạo Kỷ sư nuôi trồng thuỷ sản. Qua 8 khoá tuyển sinh liên tục (từ 1991 - 2002) đã có 607 sinh viên tốt nghiệp ra trường - đây là tiền đề quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Vinh thành lập khoa Nông Lâm Ngư vào tháng 4 năm 2002 - cũng là thời điểm kết thúc liên kết đào tạo Kĩ sư Nuôi trồng thuỷ sản của khoa Sinh học với trường Đại học Nha Trang.
            Năm 1992, Khoa mở mã ngành đào tạo tiến sĩ về chuyên ngành Thực vật học; Năm 1993, mở 3 mã ngành đào tạo thạc sĩ: Thực vật, Động vật và Sinh học thực nghiệm; Năm 1997, mở mã nghành đào tạo thạc sĩ về Phương pháp giảng dạy sinh học; Năm 1998, mở mã ngành đào tạo Cử nhân Khoa học Sinh học; Năm 2005, mở mã ngành đào tạo Cử nhân Khoa học Môi trường. Điều đáng phấn khởi là các mã ngành đào tạo của Khoa ở các bậc đào tạo từ khi được mở thêm cho đến nay đều được tuyển sinh liên tục.
            Hiện nay, chúng ta đang sống trong một "thế giới phẳng" - thế giới của sự "kết nối" - đây là cơ hội hết sức thuận lợi để khoa Sinh học có thể tiếp cận nhanh với những thành tựu mới của thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với chúng ta. Ý thức được điều này, bắt đầu từ năm 2000, Khoa đã có kế hoạch phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ giảng dạy đang ở độ tuổi nghiên cứu sinh là phải chủ động học ngoại ngữ để thi nghiên cứu sinh. Kết quả là từ 2003 đến nay, đã có 11 người đi làm nghiên cứu sinh, trong số đó 9 ở nước ngoài, 2 ở trong nước. Đến nay, 5 người đã bảo vệ thành công luận án và trở lại Khoa công tác.
            Cũng từ năm 2000 trở lại đây, cán bộ của Khoa đã chủ trì 5 đề tài nghiên cứu trong khoa học tự nhiên, gần 20 đề tài cấp Bộ và nhiều đề tài cấp Trường, cấp Tỉnh. Kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học có định hướng này đã, đang và sẽ có hiệu quả cho công tác đào tạo và không thể thiếu được cho các nhà hoạch định chính sách, chiến lược đối với các đề tài ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
            Khoa cũng đã tổ chức thành công một số Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế như: Hội thảo "Đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn", Hội thảo "Đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và học Sinh học ở các bậc Đại học, Cao đẳng và THPT", Hội thảo Quốc tế về "Đa dạng sinh học và ứng dụng", Hội thảo "Nhóm công tác bảo tồn Sao la của IUCN"...
            Trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng cán bộ, Khoa có mối quan hệ và hợp tác truyền thống với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu khác. Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, Khoa có mối quan hệ với một số tổ chức quốc tế như: Quỹ bảo tồn động vật hoang dã (WWF), Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và các tổ chức NGO.
            Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, khoa Sinh học sẽ phát huy được ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, nhất là khi Trường Đại học Vinh đã trở thành 1 trong 16 trường đại học được Chính phủ chọn xây dựng thành trường đại học trọng điểm.
            Trong vòng 50 năm qua, khoa Sinh học đã cung cấp cho đất nước trên 4.000 cử nhân thuộc các mã ngành đào tạo, 398 thạc sĩ và 5 tiến sĩ. Nhiều người trong họ đã trở thành các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền và khoa học từ Trung ương đến địa phương, các giảng viên của các trường Đại học, Cao đẳng, các cán bộ nghiên cứu ở các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học trong cả nước.
            Sự đóng góp và cống hiến của khoa Sinh học đã được Nhà nước đánh giá đúng mức bằng những phần thưởng cao quí: Huân chương Lao động hạng 3 (1998), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2004). Chúng ta nhiệt liệt chúc mừng sự bền bỉ trong phấn đấu, sự đóng góp mà thầy, trò Khoa Sinh học qua nhiều thế hệ đã làm được trong vòng 50 năm qua.
            Trong dịp kỷ niệm này, chúng ta vô cùng thương tiếc, nhớ ơn các thầy giáo, các bác, các anh, các chị đã cùng chúng ta xây dựng khoa Sinh học mà hôm nay không còn nữa. Chúng ta ghi nhận và cảm ơn công lao đóng góp của các thầy, các cô, các bác, các anh, các chị mà sau nhiều năm đóng góp sức lực, trí tuệ cho Khoa, nay đã được về nghỉ ngơi, dưỡng sức. Chúng ta cảm ơn các thầy, các cô từ các khoa, các trường, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu đã cộng tác với Khoa trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chúng ta cảm sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường. Cảm ơn các sở, ban, ngành của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và Hà Tĩnh. Chúng ta cảm ơn các cơ quan, xí nghiệp, các cá nhân trên các miền của Tổ quốc đã tạo điều kiện, giúp đỡ thầy và trò khoa Sinh học hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những đợt đi thực tập chuyên môn tại đó. Chúng ta cảm ơn nhân dân địa phương của các huyện Thanh Chương, Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) và Hà Trung, Thạch Thành (tỉnh Thanh Hoá) đã đùm bọc, che chở chúng ta trong suốt 8 năm sơ tán của thời kỳ chiến tranh ác liệt.
            Phấn khởi, bâng khuâng và lưu luyến là tâm trạng chung của mỗi chúng ta khi trở về ngôi nhà thứ 2 - "Khoa Sinh học - Trường Đại học Vinh" trong dịp Lễ hội 50 năm này. Hãy để cho những ấn tượng đẹp đẽ đó đọng mãi trong tâm trí của mỗi người và tái hiện trong khoảng lắng của thời gian, giống như cố nhà thơ Chế Lan Viên đã từng bộc bạch:
 
"Khi ta ở, đất chỉ là nơi ở
Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn"
 
PGS.TS. Phạm Hồng Ban
Bí thư Đảng bộ bộ phận - Phụ trách khoa
 
Đăng tin: Hoàng Hà Nam.