Khởi thủy từ một sáng kiến cá nhân của một công dân Australia, Chiến dịch "Làm cho Thế giới sạch hơn" đã trở thành một sự kiện toàn cầu kể từ năm 1993. Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn tập trung vào các sáng kiến và hành động của các cộng đồng địa phương cũng như ghép nối hành động bảo vệ môt trường của cộng đồng với doanh nghiệp và chính quyền. Khẩu hiệu của ngày "Làm cho Thế giới sạch hơn" năm nay là: "Các cộng đồng liên kết để chống lại biến đổi khí hậu".
 
 
Khẩu hiệu của Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2009:
"Các cộng đồng liên kết để chống lại biến đổi khí hậu".
 
            Chiến dịch "Làm cho Thế giới sạch hơn": từ sáng kiến của Australia "Làm cho Australia sạch hơn" đến chiến dịch "Làm cho Thế giới sạch hơn".
            Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" được khởi xướng bởi một nhà xây dựng, đồng thời cũng là một vận động viên đua thuyền buồm người Australia, ông Ian Kierman. Sau cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới trong quãng thời gian 1986 - 1987, ông Ian Kierman 59 tuổi đã nhận ra sự ô nhiễm đáng ngại trên các đại dương ông đi qua. Sau khi trở về quê hương ở Sydney (Australia), ông khởi xướng phong trào Ngày làm cảng Sydney sạch hơn trên quê hương mình. Ngay sau đó, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, năm 1989, Chiến dịch Ngày làm Australia sạch hơn  lần đầu tiên được tổ chức cùng với việc thành lập một tổ chức bảo tồn môi trường phi lợi nhuận của Australia nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền để hợp lực giải quyết các vấn đề môi trường của Australia như chất thải, nước thải và biến đổi khí hậu. Tổ chức "Làm cho Thế giới sạch hơn" là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, phi chính phủ và phi chính trị nhằm liên kết các cộng đồng thông qua một tiêu chí chung là giải quyết các vấn đề môi trường của địa phương, hỗ trợ cộng đồng xúc tiến các kế hoạch bảo vệ môi trường của họ, làm việc cùng với họ một cách tự nguyện. Ý tưởng ban đầu "Làm cho nước Australia sạch hơn" đã lớn mạnh và thu hút các dự án và phong trào khác như: Ngày Kinh doanh sạch hơn (Business Clean Up Day), Ngày làm cho Trường học sạch hơn (Schools Clean Up Day), Làm sạch hơn Dãy Alps (Clean Up the Alps), Làm cho núi lửa Kimbercley sạch hơn (Clean Up the Kimbercley), và cuối cùng trở thành phong trào Làm cho Thế giới sạch hơn (Clean Up the World) từ 1993. Tổ chức Làm cho Thế giới sạch hơn chọn dịp cuối tuần của tuần lễ thứ 3 của tháng 9 hàng năm làm dịp hành động và hàng năm dự tính có đến trên 35 triệu người thuộc 120 quốc gia tham gia.
            Chiến dịch Toàn cầu Làm cho Thế giới sạch hơn (Clean Up the World) được chính thức phát động năm 1993 khi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đồng ý phổ biến sáng kiến của Ian Kiernan trên toàn thế giới nhằm cổ vũ cho các cộng đồng làm sạch hơn, ổn định và bảo tồn môi trường sống của họ bằng cách đăng ký trở thành thành viên và hoạt động theo tiêu chí  của Tổ chức "Làm cho Thế giới sạch hơn" (www.cleanuptheworld.org).
            "Làm cho Thế giới sạch hơn" là một trong số các chiến dịch bảo vệ môi trường trên cơ sở cộng đồng lớn nhất thế giới. Nhờ đó Ian Kiernan đã được tặng thưởng vì những đóng góp của ông đối với môi trường. Ông nhận Giải thưởng Global 500 của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) vào năm 1993. Năm 1998, ông được nhận giải thưởng của Liên Hợp Quốc có tên là SASAKAWA. "Làm cho Thế giới sạch hơn" cũng được nhận giải thưởng Người công dân Thế giới do Hiệp hội Hướng đạo sinh Thế giới bình chọn vì khả năng huy động cộng đồng và cá nhân cùng làm những công việc có ích cho môi trường. "Tôi tin tưởng rằng, mỗi cá nhân chúng ta đều có thể góp phần làm thay đổi sâu sắc những vấn đề môi trường tiêu cực của thế giới. Sức mạnh đoàn kết của tất cả những người tham gia Chiến dịch này đã chứng minh một cách rõ nét sự quan tâm sâu sắc của người dân đến môi trường, không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo"- Ông Ian Kierman nói.
            Năm nay vào ngày cuối tuần 19-20/9/2009, lễ kỷ niệm lần thứ 17 ngày "Làm cho Thế giới sạch hơn" cổ vũ các thành viên hãy hành động để kiểm soát sự biến đổi khí hậu toàn cầu với khẩu hiệu: "Các cộng đồng hãy liên kết để chống lại sự biến đổi khí hậu" - "Communities Uniting to Combat Climate Change", ví dụ: tiết kiệm năng lượng, giáo dục môi trường, trồng cây, đi bộ vì môi trường, các dự án tái chế chất thải,...". Khẩu hiệu này gắn kết với khẩu hiệu của ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay: "Trái Đất cần chúng ta, hãy liên kết để chống lại Biến đổi khí hậu". Mặc dù Biến đổi khí hậu là một khái niệm phức tạp, nhưng thực ra nó có thể được kiểm soát bởi những hành động đơn giản mà cá nhân hay cộng đồng có thể làm được.
 
            Việt Nam và Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn
            Việt Nam đã hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn từ năm 1994 và luôn là thành viên rất tích cực của Phong trào. Với 16 năm tham gia, hầu hết các Bộ, ngành và địa phương ở Việt Nam đều hưởng ứng với các hoạt động như: tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi người dân về ý thức bảo vệ môi trường (BVMT), phát động phong trào BVMT không khí, giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc cây xanh; sử dụng tiết kiệm các nguồn nhiên liệu, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường trước đây và Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay là đầu mối Quốc gia đăng ký tham gia Tổ chức. Vì thế hoạt động kỷ niệm hàng năm ngày "Làm cho Thế giới sạch hơn" đều có sự chỉ đạo của Nhà nước. Điều đó là rất bài bản, nhưng lại khiến cho vẫn có người chưa phân biệt ngày "Làm cho Thế giới sạch hơn" với Ngày "Môi trường thế giới" 5/6. Cần chú ý rằng ngày Môi trường thế giới 5/6 là sáng kiến của Liên Hợp Quốc và tham gia sự kiện này phải ở vị thế Quốc gia. Trái lại, ngày "Làm cho Thế giới sạch hơn" vốn khởi động từ một tổ chức phi chính phủ tư nhân và được sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc (qua UNEP). Vì vậy bất cứ cộng đồng nào dù lớn hay nhỏ đều có thể trở thành thành viên trực tiếp của Tổ chức Làm cho Thế giới sạch hơn mà ngày nay vẫn được coi là sáng kiến đáng tự hào của Australia.
 
Bản đồ các nhóm thành viên của Làm cho Thế giới sạch hơn năm 2009
 
            Mong ước rằng một phong trào hàng năm và liên tục nhiều năm kiểu như "Làm cho Vịnh Nha Trang sạch hơn" (Khánh Hòa), "Làm cho Vịnh Hạ Long sạch hơn" (Quảng Ninh), "Làm cho Hồ Gươm sach hơn" (Hà nội), "Làm cho Khu di tích Đền Hùng sạch hơn" (Phú Thọ), "Làm cho Việt Nam sạch hơn",... sẽ được tổ chức để  phản ánh tốt hơn bản sắc của ngày "Làm cho Thế giới sạch hơn" và là sự phối hợp tốt với phong trào Ngày Môi trường Thế giới 5/6 hàng năm.
 
Hoàng Hà Nam (Theo "vacne.org.vn").