Trong 2 ngày 21/04 - 22/04/2011, tại Trung tâm Thông tin Thư viện Nguyễn Thúc Hào - Trường Đại học Vinh, khoa Sinh học đã tổ chức Hội thảo gặp mặt lần thứ 2 nhóm IUCN hành động bảo tồn loài Sao la. Hội thảo có sự tham gia của 12 nhà khoa học đến từ Mỹ, Anh, Lào và Việt Nam.
Hội thảo là hợp phần hoạt động được tổ chức bởi hai dự án tại Trường Đại học Vinh: Dự án Sáng kiến Darwin Vương quốc Anh tại Trường Đại học Cambridge phối hợp với Trường Đại học Vinh, Cục Kiểm Lâm và Đại học Kent (Vương quốc Anh), Quỹ bảo tồn động vật hoang dã (WWF) với sự hỗ trợ của Quỹ hợp tác các hệ sinh thái khủng hoảng nhằm đề ra các giải pháp thích hợp cho công tác bảo tồn loài Sao la đang ở mức độ cực kì nguy cấp; Dự án nghiên cứu phát triển bền vững miền Tây Nghệ An do Bộ Tài Nguyên và Môi trường tài trợ dựa vào kiến thức quản lý truyền thống và văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số ở đây lồng ghép với công tác bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo của dãy Trường Sơn, trong đó có biểu tượng loài Sao la.
PGS. TS. Nguyễn Đình Nhâm - Trưởng khoa Sinh học khai mạc Hội thảo
Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 05/1992 trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang. Sau đó, các nhà khoa học đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm 20 con Sao la nữa cũng trong năm 1992.
Việc khám phá ra loài sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học đã cho rằng việc tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là chuyện khó có thể xảy ra. Sau này, sao la cũng được tìm thấy ở các nơi khác trong phạm vi của rừng Trường Sơn thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế và nhiều tỉnh khác của Lào.
Các nhà khoa học sôi nổi trong việc tìm giải pháp để bảo tồn loài Sao la
Mãi đến năm 1996 người ta mới bắt và chụp ảnh được một con Sao la còn sống tại Lào. Tháng 10/1998 một lần nữa các nhà khoa học đã chụp ảnh được Sao La trong tự nhiên trong Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Kể từ đó chỉ quay phim được một vài cá thể Sao la. Tất cả các Sao la được bắt giữ đều đã chết sau vài tuần.
Sao la là một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới sinh sống các vùng rừng thuộc dãy Trường Sơn dọc theo biên giới Việt và Lào, nơi có nhiều loại hình sinh thái đặc trưng của rừng nhiệt đới thường xanh. Sao la được xếp hạng ở mức nguy cấp (có nguy co tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao). Sao la được đưa vào trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong sách đỏ Việt Nam.
Trước tình hình đó, nhiều nhà khoa học và các tổ chức trên thế giới đã tham gia vào sự bảo tồn loài động vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng này. Tháng 04/2011, Khu bảo tồn Thiên nhiên Sao la rộng 160km2 được thành lập ở Quảng Nam, mở rộng hành lang sinh thái nối liền Việt Nam và Vườn quốc gia Xe Sap của Lào. Ước tính có khoảng 50 - 60 con Sao la trong khu bảo tồn này.
Từ năm 2010 với sáng kiến của các nhà khoa học quan tâm tới việc bảo tồn loài Sao la đã xây dựng kế hoạch cứ mỗi năm một lần để gặp gỡ trao đổi và đưa ra những giải pháp khoa học nhằm bảo vệ loài Sao la khỏi nguy cơ diệt vong.
Năm nay (ngày 21/04 và 22/04/2011) với sự hỗ trợ của Trường đại học Vinh, Quỹ bảo tồn động vật hoang dã (WWF) và sự hỗ trợ của Quỹ đối tác các hệ sinh thái khủng hoảng (CEPF), nhóm hành động bảo tồn Sao la của Hiệp hội quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tổ chức cuộc gặp mặt thường niên xem xét, đánh giá lại công tác bảo tồn Sao la, phân tích các nguyên nhân chưa đạt được cũng như mong muốn và đề ra các giải pháp có tính khả thi phù hợp với thực tế tại khu vực.
Tại hội thảo, PGS. TS. NGƯT. Nguyễn Ngọc Hợi - Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển nông thôn trình bày: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được 1 số kết quả quan trọng, song việc bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam, đặc biệt là bảo tồn loài Sao la vẫn đang gặp nhiều thách thức to lớn. Đó là rừng và sinh cảnh tự nhiên vẫn tiếp tục bị suy thoái và chia cắt, tình trạng khai thác, buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã vẫn tiếp diễn nhất là các loài thú móng guốc trong đó có Sao la.
Sao la là một trong những động vật huyền bí nhất thế giới
Cũng theo PGS. TS. NGƯT. Nguyễn Ngọc Hợi, Hội thảo có mục đích nhằm cung cấp một cách tổng quan các nghiên cứu, các ưu tiên trong hoạt động bảo tồn loài Sao la, phát hiện các phương pháp khả thi trong bảo tồn; xác định rõ chức năng các nhóm hoạt động bảo tồn và đưa ra các hoạt động cho 12 tháng kế tiếp cho nhóm hành động bảo tồn Sao la để đáp ứng được mong mỏi của công tác bảo tồn loài Sao la.
Mất sinh cảnh, săn bắt, môi trường sống bị chia cắt và tiếng ồn của các công trường xây dựng gần nơi sao la sinh sống đang là những nguyên nhân gây ra sự suy giảm về số lượng của chúng trong những năm gần đây.
Hiện tại Sao la được xếp vào nhóm các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trong Sách đỏ của Việt Nam. Giới khoa học đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về số lượng cá thể Sao la còn sống tại Việt Nam và Lào. Dự đoán lạc quan nhất là số lượng của chúng chưa đầy 100 con.
Các chuyên gia vẫn chưa thể nghiên cứu được cách nuôi Sao la trong điều kiện nuôi nhốt vì chúng thường chết ngay sau vài ngày bị bắt giữ. Vì vậy, sự tuyệt chủng của Sao la trong tự nhiên đồng nghĩa với sự biến mất vĩnh viễn của chúng.
Hoàng Hà Nam (Theo: Nguyễn Duy - Báo Dân trí).