Tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong giáo dục về biến đổi khí hậu tại Việt Nam" tổ chức ngày 29/03/2011, đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, sau năm 2015, giáo dục về biến đổi khí hậu sẽ được đưa vào thành môn học đại cương lồng ghép trong chương trình giảng dạy của tất cả các cấp học từ mầm non đến đại học và được lấy tên là môn học Giáo dục môi trường.
            Bộ môn này sẽ được giảng dạy linh hoạt, phù hợp đối với từng cấp học. Cụ thể, với cấp mầm non sẽ tuyển tập các bài thơ, bài hát, trò chơi... với nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu. Ở cấp Tiểu học, THCS, THPT, các Trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ biên soạn tài liệu tích hợp với các môn học, các modun về ứng phó với biến đổi khí hậu. Với các trường đại học, cao đẳng khối sư phạm, nội dung này sẽ đưa thành một chương riêng trong học phần "Con người và Môi trường" hoặc "Khoa học môi trường", "Môi trường và phát triển bền vững".
 
 
 
Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong giáo dục
về biến đổi khí hậu tại Việt Nam"
 
 
 
Năm 2015: Trẻ mầm non sẽ được học Biến đổi khí hậu
 
            Theo ông Lê Trọng Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguồn lực tài chính để triển khai kế hoạch động ứng phó với biến đổi khí hâu của ngành giáo dục giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến là 240 tỷ đồng từ ngân sách và các nguồn tài trợ.
            Dù mang ý nghĩa thiết thực nhưng kế hoạch này cũng gây không ít tranh cãi trong các bậc phụ huynh, nhiều ý kiến cho rằng biến đổi khí hậu là một khái niệm quá rộng và khó để có thể dạy cho con trẻ hiểu, chưa kể đến việc chương trình giáo dục hiện nay vốn đã rất nặng và quá tải thì liệu việc áp dụng kế hoạch này có đem lại hiệu quả?
 
Hoàng Hà Nam (Theo: Thiennhien.net).