PGS.TS. Phan Quang Thế
 
            Nếu như trong đào tạo theo Học phần – Niên chế, sinh viên phải học theo đúng kế hoạch học tập cả khóa, kế hoạch học tập từng học kỳ của Nhà trường thì trong đào tạo theo Hệ thống tín chỉ sinh viên hoàn toàn quyết định kế hoạch học tập cả khóa và từng học kỳ cho phù hợp với năng lực học tập và hoàn cảnh cụ thể của mình. Kế hoạch mà Nhà trường đưa ra trong thời khóa biểu của từng học kỳ là kế hoạch gợi ý tiêu chuẩn để sinh viên có thể tốt nghiệp trong thời gian 5 năm đối với các ngành kỹ thuật và 4 năm với các ngành kinh tế. Tuy nhiên, sinh viên có thể tự quyết định kế hoạch học tập để tốt nghiệp sớm hơn hoặc muộn hơn hoặc học lâu hơn để có bằng tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi.
            Những sinh viên học chăm luôn lo lắng bị cảnh cáo kết quả học tập dẫn tới bị buộc thôi học khi bị cảnh cáo kết quả học tập hai học kỳ liên tiếp. Vậy làm thế nào để tránh được điều này? Sau đây là một số gợi ý cho các em:
DỄ
1. Hiểu các tiêu chí đánh giá kết quả học tập
            Đào tạo theo Hệ thống tín chỉ yêu cầu sinh viên đạt được:
-         Số tín chỉ tích lũy tối thiếu của chương trình (150 hoặc 180 đối với khối ngành Kỹ thuật);
-         Điểm trung bình chung tích lũy (TBCTL) ³ 2,0 để xét tốt nghiệp.
            Như vậy để ra tốt nghiệp được, 2 tiêu chí này phải đạt được đồng thời. Tích lũy được nhiều tín chỉ mà điểm TBCTL < 2 sẽ không tốt nghiệp được hoặc điểm TBCTL ³ 2,0 nhưng số tín chỉ tích lũy nhỏ hơn số tín chỉ tích lũy tối thiểu của mỗi chương trình cũng không tốt nghiệp được. Vì thế nguyên tắc quan trọng là học đến đâu được đến đấy (tích lũy được bao nhiêu tín chỉ, thì điểm TBCTL của các học phần tích lũy được phải ³ 2,0 hoặc ít nhất gần 2,0).
            Trong thực tế, mỗi học kỳ lại có thêm tiêu chí điểm TBCHK để xét tiến độ học tập của sinh viên. Tuy nhiên, điểm TBCHK chỉ có ý nghĩa đối với hai học kỳ liên tiếp mà thôi.
            Sinh viên bắt buộc phải đọc Quy chế và hiểu rõ các khái niệm về:
            - Điểm trung bình chung học kỳ
            - Số tín chỉ tích lũy
            - Điểm trung bình chung tích lũy
            Sau đó sẽ đăng ký học theo những gợi ý dưới đây sẽ giúp sinh viên tránh được cảnh cáo kết quả học tập trong từng học kỳ. Tất nhiên, đây là chỉ là những gợi ý cho sinh viên chăm học, còn với những sinh viên lười học thì những gợi ý này không có tác dụng.   
2. Gợi ý đăng ký học phần
v     Đảm bảo điểm TBCHK không quá thấp
Nếu sinh viên có điểm TBCTL từ 2,0 trở lên và tích lũy được từ 90-100% tín chỉ theo kế hoạch đào tạo của Nhà trường tại thời điểm xem xét thì có thể đăng ký học tất cả các học phần theo thời khóa biểu của Nhà trường và thậm chí có thể học vượt. 
Nếu sinh viên có điểm TBCTL từ 1,6 đến dưới 2,0 và tích lũy được 70 – 90% số tín chỉ theo kế hoạch đào tạo của Nhà trường tại thời điểm xem xét thì nên rút một số học phần và chỉ nên học đến 15 tín chỉ các học phần trong thời khóa biểu của học kỳ đó.
Nếu sinh viên có điểm TBCTL dưới 1,6 thì nên đăng ký 10 tín chỉ các học phần theo thời khóa biểu của Nhà trường.
Ngoài các học phần đăng ký theo thời khóa biểu học kỳ của Nhà trường, các em nên đăng ký học lại hoặc học cải thiện điểm của các học phần học trong các học kỳ trước (những học phần học lại này nếu đạt điểm học phần cao hơn điểm cũ sẽ tính vào TBCHK, còn nếu thấp hơn điểm cũ thì các em có thể rút kết quả). 
Riêng với sinh viên K44, trong học kỳ đầu tiên này không nên học vượt. Những em có điểm thi vào trường từ 16 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên) có thể học tất cả các học phần theo thời khóa biểu. Những em có điểm thi vào trường thấp hơn, nên rút bớt học phần và có thể học bằng số tín chỉ tối thiểu là 14.
v     Đảm bảo điểm TBCTL có đủ thời gian để cải thiện
Đảm bảo nguyên tắc tích lũy được bao nhiêu tín chỉ thì điểm TBCTL phải ³ 2,0. Vì thế khi điểm TBCTL < 2 thì phải giảm học các học phần mới, tăng các học phần học lại và các học phần cải thiện điểm.

KHÓ

1. Phương pháp học tập
            Đối với sinh viên, khó nhất của học theo tín chỉ là phải áp dụng phương pháp học tích cực, đó là phương pháp học lấy tự học và học cái cốt lõi là chính. Phương pháp học này phát huy tính năng động và sáng tạo của sinh viên. Nói một cách vắn tắt như sau:
Học lý thuyết trên lớp: Giờ học lý thuyết không chỉ ghi chép những lời thầy cô giảng trên lớp một cách thụ động mà phải nghe, suy ngẫm và nắm được “linh hồn” những vấn đề mà thầy cô truyền đạt? Thầy cô đặt vấn đề như thế nào? Tại sao lại đặt vấn đề như thế? Thông số đầu vào là những thông số nào? Thông số đầu ra cần phải xác định là những thông số nào? Nguyên tắc để giải quyết vấn đề là gì? Phương pháp và con đường cụ thể để giải quyết những vấn đề đó là gì? Mà chưa cần nắm rõ những chi tiết cụ thể. Vì thế những sinh viên không đến lớp sẽ không có được bức tranh tổng quát của học phần và từng chương, mục.
Học thảo luận trên lớp:
Giờ thảo luận là giờ để làm rõ những vấn đề của giờ lý thuyết áp dụng vào những bài toán cụ thể. Nếu như giờ lý thuyết chủ yếu là nghe, viết và suy ngẫm thì giờ thảo luận phải là nói nhiều và tranh luận. Ưu tiên đặt câu hỏi hơn là trả lời. Tránh đi vào những vấn đề quá sâu, phức tạp và mất nhiều thời gian. Đừng nôn nóng hiểu sâu, hãy hiểu những vấn đề cơ bản trước.   
Ở nhà:
            Học cách tự đọc tài liệu để hiểu sâu “linh hồn” của từng chương và tiến tới cả học phần.
Tự triển khai những vấn đề cụ thể của học phần như giải bài tập, thiết kế, chuẩn bị câu hỏi cho các giờ thảo luận trên lớp. Hãy đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
            Tăng cường trao đổi bài theo nhóm. Người biết khi giảng cho người chưa biết sẽ càng giỏi hơn, người chưa biết hỏi người biết sẽ hiểu được vấn đề.
2. Nắm bắt thông tin chính xác và kịp thời
            Mỗi sinh viên cần có Quy chế gối đầu giường. Không cần học thuộc nhưng phải hiểu thật sâu Quy chế.
            Mỗi tuần phải vào Website của trường ít nhất hai lần để đọc và cập nhật những thông tin có liên quan đến sinh viên. Tham gia diễn đàn học tập và rèn luyện của sinh viên để làm cho cái tâm của con người trong sáng nhằm tạo thêm động lực để học tốt.
            Không được bỏ các buổi sinh hoạt lớp cũng như các buổi sinh hoạt do Nhà trường tổ chức vì đây là nơi giao lưu thông tin giữa Nhà trường và sinh viên. 
            Nếu biết phát huy cái DỄ và khắc phục cái KHÓ chắc chắn các em sẽ thành công và không bao giờ làm bố mẹ, người thân đau khổ và thất vọng,
            Chúc các em thành công.