TS. Phan Thị Thanh Hội
Khoa Sinh học – Đại học Vinh

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

 

         Trong quá trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ thời lượng dạy trên lớp cho mỗi tín chỉ là rất ngắn, trong khi nội dung tri thức cần truyền đạt thì quá nhiều. Do đó, việc sinh viên phải tự học bài và chuẩn bị bài trước giờ lên lớp là điều tất yếu.

           Thời gian tự học ở nhà là rất quan trọng, đây là lúc người học có nhiều thời giờ suy ngẫm, đào sâu vấn đề, tiếp tục đề xuất những thắc mắc để thầy giải đáp, suy nghĩ liên hệ hoặc vận dụng vào thực tế. Đây cũng là cách để tri thức khắc sâu trong bộ óc, khó bị quên lãng và trở thành hữu ích, là cách học kết hợp với hành mà Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở. Việc học ở nhà còn phải làm tốt việc chuẩn bị trước theo yêu cầu của từng bài giảng.

           Mặt khác, trong quá trình học tập cũng như làm việc hãy tự đẩy mình vào tình thế không thể thoái lui, nhiệm vụ càng nặng nề càng phải cố gắng, cố gắng nhiều thì tiến bộ nhanh. Chính thói quen suy nghĩ và làm việc độc lập sẽ khiến cho người học và làm khoa học tự tin hơn khi đối diện với khó khăn. Chính khó khăn sẽ đưa đến khả năng tập trung tư tưởng cao độ. Nói chung, phát triển tư duy độc lập, tư duy phê phán, tự đặt mình vào những nhiệm khó khăn rồi triệt đường thoái lui, đó là cách chúng ta có thể chuẩn bị đối diện với khó khăn. Ngoài ra, những người học biết cách học thông minh, chủ động chính là đã có một hành trang tốt để chuẩn bị trở thành người lao động sáng tạo giỏi trong tương lai.

         Tuy nhiên, để sinh viên trở thành những người học có khả năng tự học, chủ động sáng tạo không phải là một điều dễ dàng, do sinh viên mới làm quen với cách học mới nên tính thụ động còn cao, phương pháp tự học, tự nghiên cứu còn chưa tốt do đó họ rất lúng túng trong việc tự học ở nhà. Mặt khác, giảng viên cũng gặp phải nhiều khó khăn khi yêu cầu sinh viên tự học ở nhà và quản lý cũng như đánh giá khả năng tự học của sinh viên.

         Vì vậy, tôi mong muốn đưa ra ở đây một vài phương pháp giúp giảng viên quản lí sinh viên tự học và sinh viên có thể cải thiện chất lượng tự học, tự nghiên cứu của mình.

II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN

   Để sv  có thể tự học, tự nghiên cứu ở nhà được tốt thì đối với giảng viên cũng cần đặt ra cho mình một số yêu cầu như sau:
            Giảng viên cần phải có đề cương chi tiết cho sinh viên trước khi bắt đầu vào giảng dạy một tín chỉ nào đó. Trong đó có ghi rõ những phần học trên giảng đường, phần thực hành thí nghiệm và những phần yêu cầu sinh viên tự học ở nhà cũng như làm tiểu luận. 
             Quán triệt cho người học ngay từ đầu về tinh thần "tự lực cánh sinh„. Tự học là chính.
             Trong những chương, phần yêu cầu người học tự học giảng viên nên nêu rõ mục tiêu của chương, phần đó. Đặt ra các câu hỏi yêu cầu người học phải trả lời được sau khi học xong chương, phần đó. 
             Yêu cầu người học đọc sách nào, nghiên cứu tài liệu nào hay phần nào và trả lời câu hỏi theo yêu cầu.
             Hướng dẫn người học kỹ năng đọc sách, nghiên cứu tài liệu, tóm tắt tài liệu đọc được, cách lập dàn bài, đề cương, kỹ năng phân tích bảng số liệu, sơ đồ, bảng biểu... 
            Kiểm tra tự học của người học bằng các câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận trên giảng đường và lấy điểm làm điểm điều kiện.

  III. YÊU CẦU ĐỐI VỚI SINH VIÊN

 Để có thể rèn luyện được phương pháp tự học, tự nghiên cứu, người học cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:
          Người học phải quán triệt tinh thần "tự lực cánh sinh", cố gắng tự mình suy nghĩ "thêm tí nữa". Điều đó đem lại lợi ích cho người học là tự động viên, nhắc nhở tinh thần cho chính bản thân mình. Người học phải hiểu rằng bất cứ việc gì, người nào biết dựa vào sức mình là chính, năng lực người đó mới nhanh chóng phát triển, sự thành công mới vững chắc. Điều quan trọng bậc nhất, độc lập suy nghĩ, làm việc sẽ khiến những kiến thức tiếp thu được sâu sắc, dễ vận dụng. 
          Hiểu rõ mục đích học tập và xác định động cơ học tập đúng đắn.Khi hiểu rõ mục đích học tập và xác định động cơ học tập đúng đắn cần phân biệt sự khác nhau giữa phong cách học tập cũ và mới. Phong cách học tập mới là vừa học tập kiến thức khoa học vừa thông qua đó mà tự giác rèn luyện con người mình, nó chống lại việc chỉ lo nhồi nhét kiến thức mà không lo rèn luyện con người mới. Hơn nữa, cần rèn luyện lòng say mê, yêu khoa học. Để có được lòng say mê khoa học cần thấm thía "cái hay", "cái tài" của khoa học, điều đó chỉ có được trong quá trình lao động nghiên cứu khoa học.
Học phải có kế hoạch: người học phải lập kế hoạch cho việc tự học, tự nghiên cứu (học lúc nào? Học ở đâu? Học môn gì, phần nào trước, môn gì, phần nào sau?), tốt nhất là rèn luyện được phương pháp học ở mọi nơi, mọi lúc.
          Tập trung tư tưởng: người học phải rèn luyện được sự tập trung tư tưởng cao độ khi học tập, nghiên cứu, không bị xao lãng bởi những yếu tố gây nhiễu xung quanh.
Khi bắt đầu tự học một môn hay một phần nào đó, người học phải xác định được nội dung cần đọc, cần nghiên cứu thông qua các câu hỏi của giảng viên.
Khi xem xét một vấn đề, người học phải xuất phát từ định nghĩa, khái niệm và đặt vấn đề đó trong mối liên hệ với các vấn đề khác. 
          Để tạo được niềm vui người học nên bắt đầu từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ xa đến gần, từ cụ thể đến khái quát, trừu tượng.
           Người học phải rèn luyện kỹ năng đọc sách, kỹ năng nghiên cứu tài liệu:
                     - Khi đọc sách cần phải ghi chép: lập dàn bài cho những phần cần nghiên cứu, đầu tiên là dàn ý sơ lược, sau đó chi tiết hóa dần
                     - Cố gắng nắm được cách bố trí, hệ thống của tư liệu, nếu có phần tóm lược của tư liệu thì cần phải đọc ngay nó. Sau đó, đọc những gì người học hiểu rõ nhất để xác định độ khó, chừa lại những gì không hiểu. Đừng nản chí nếu không hiểu.
                      - Dùng bút đánh dấu những chỗ quan trọng hay chưa hiểu để có thể xem lại. Trong khi đọc, thỉnh thoảng dừng đọc và đặt những câu hỏi kích thích và tự tìm câu trả lời.
                      - Sau khi tóm tắt được phần cần đọc thì trả lời các câu hỏi của giảng viên yêu cầu theo hiểu biết của mình dựa vào tài liệu đã được đọc.
          Để tìm ra được phương pháp giải quyết vấn đề, người học cần phát huy tư duy biện chứng, song trong quá trình giải quyết vấn đề thì lại cần vận dụng tới tư duy logic. Để đi đến kết quả trọn vẹn, người học cần rèn luyện tư duy về lựa chọn, lựa chọn những cách giải quyết giản dị, thấu đáo, trong sáng.
           Người học phải học cách hệ thống hóa các kiến thức đã học từ trên lớp kết hợp với kiến thức đã học thông qua cách lập các sơ đồ về mối quan hệ giữa các kiến thức, lập các bảng so sánh, các bảng tổng hợp các nội dung đã học. 
           Trong việc đẩy mạnh phương pháp tự học, cũng cần chú ý đến sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong học tập tức là vấn đề "học thầy không tày học bạn" như ông cha ta đã từng đúc kết. Do đó, người học có thể kết hợp với những người học khác thành nhóm học tập, trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau để khắc sâu nội dung bài học.
            Trao đổi với giảng viên, người hướng dẫn về những phần kiến thức khó, kiến thức không hiểu và những phần kiến thức người học muốn đi sâu tìm hiểu rõ hơn. 
             Và cũng cần ghi nhớ là học cần kết hợp với giải trí và nghỉ ngơi đúng lúc: nghe nhạc, đi bộ, trò chuyện với bạn bè...là những hình thức nghỉ ngơi thư giãn rất tốt.

  III. KẾT LUẬN

              Tóm lại, rèn luyện được phương pháp tự học, tự nghiên cứu là rất quan trọng cho người học không những khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà kể cả khi ra ngoài xã hội, nó tạo cho người học có khả năng học suốt đời, khả năng tự lực giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách chủ động.

             Như vậy, ngoài việc rèn luyện phong cách học tập, phương pháp học tập, người học còn biết cách khám phá ra các bí mật - những kiến thức chưa được khám phá trong cuộc sống, trong công việc: đây là điều hết sức cần thiết cho người lao động sáng tạo.

             Tuy nhiên, để rèn luyện được khả năng tự học, tự nghiên cứu thì đòi hỏi sự nỗ lực của người hướng dẫn và đặc biệt là người học trong việc xác định cho mình tính tự lực, tự cường, độc lập, sáng tạo.