Công tác Hội và phong trào sinh viên là nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở Hội Sinh viên. Lãnh đạo các cơ sở Hội là Ban Chấp hành của cơ sở Hội đó. Hoạt động của Ban Chấp hành Hội các cấp có ý nghĩa và tác dụng vô cùng quan trọng đối với các cơ sở Hội. Tìm giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng Ban Chấp hành, chất lượng hoạt động tổ chức tại các cơ sở Hội là việc rất cần thiết và quan trọng. Bài viết sau được trích từ tham luận của đồng chí Hoàng Hà Nam (Liên chi hội trưởng khoa Sinh học nhiệm kỳ 2008 - 2010) tại Đại hội đại biểu Hội Sinh viên trường khóa VIII đã nêu ra các giải pháp nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức tại cơ sở Hội các cấp. Ban Thư ký liên chi hội sinh viên đăng tải để các chi hội có thể sử dụng làm tư liệu trong quá trình hoạt động công tác.
 
==========
 
            Công tác Hội và phong trào sinh viên là nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở Hội Sinh viên. Lãnh đạo các cơ sở Hội là Ban Chấp hành của cơ sở Hội đó. Hoạt động của Ban Chấp hành Hội các cấp có ý nghĩa và tác dụng vô cùng quan trọng đối với các cơ sở Hội. Trong thực tế những năm qua, Ban Chấp hành Hội cơ sở hoạt động mà chất lượng, hiệu quả thì sẽ có tác động mạnh mẽ, to lớn đến phong trào tại các cơ sở Hội. Chúng ta có thể thấy rất rõ những thành công của các đơn vị như LCHSV khoa Sinh học, LCHSV khoa Lịch sử, LCHSV khoa Chính trị... Song hiện nay, vẫn còn không ít Ban Chấp hành tại cơ sở hoạt động chưa đúng quy định, chưa có hiệu lực và hiệu quả nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc chỉ đạo các phong trào chung... Nguyên nhân chung của kết quả đó là công tác cán bộ tại các đơn vị không ổn định, cán bộ Hội chủ chốt chưa dành quỹ thời gian thích đáng cho việc chỉ đạo phong trào nên kết quả đạt được còn thấp. Các mô hình giải pháp tốt cho công tác Hội và phong trào sinh viên khi chuyển sang đào tạo theo tín chỉ chưa được xây dựng và triển khai nhiều, đặc biệt là trong các hoạt động quản lý hội viên. Hoạt động của các chi hội đào tạo theo học chế tín chỉ chưa được đầu tư, chỉ đạo đúng mức. Vì vậy tìm giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng Ban Chấp hành, chất lượng hoạt động tổ chức tại các cơ sở Hội là việc cần thiết. Qua quá trình nghiên cứu và thực tế tại các cơ sở Hội Sinh viên (bao gồm các Liên chi hội và các chi hội), chúng tôi đã đúc rút ra được một số giải pháp nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức tại cơ sở Hội các cấp như sau:
1. Giải pháp chung
            Trên cơ sở xây dựng Ban Chấp hành Hội tại cơ sở đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, bộ máy tham mưu giúp việc đắc lực, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết, chương trình, kế hoạch,... công tác Hội của Hội cấp trên cũng như của đơn vị mình bằng các chuyên đề trong từng thời kỳ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các cuộc họp, các hoạt động tổ chức của Ban Chấp hành Hội để nâng cao khả năng chỉ đạo các cơ sở Hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết, chương trình, kế hoạch,... công tác Hội và phong trào sinh viên đã đề ra. Về cơ bản, chúng ta phải nghiên cứu và thực hiện đúng Điều lệ của Hội Sinh viên.
2. Giải pháp cụ thể
2.1. Xây dựng và nâng cao chất lượng Ban Chấp hành cơ sở
            - Chú trọng tham mưu quy hoạch cán bộ để có điều kiện củng cố, dân chủ bổ sung đủ số lượng, chú trọng chất lượng Ban Chấp hành Hội các cấp.
            - Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ, phối hợp của các cấp ủy Đảng, các cấp bộ Đoàn, các ban, ngành, đoàn thể khác.
            - Yêu cầu thường xuyên học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ và các kiến thức có liên quan.
            - Duy trì chế độ họp, làm việc đúng quy định, khoa học; xây dựng bộ máy giúp việc thật sự có năng lực.
2.2. Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức tại cơ sở Hội
a) Nâng cao chất lượng hội họp:
            - Chuẩn bị họp:
            + Ban Thư ký, Ban Chấp hành cần chuẩn bị trước chương trình, kế hoạch, dự thảo báo cáo, nội dung chuyên đề, các vấn đề cần trưng cầu ý kiến cơ sở, cần thảo luận trong Ban Chấp hành cơ sở.
            + Ban Thư ký, thường trực Ban Chấp hành cần thông báo trước thời gian, nội dung cuộc họp, những vấn đề cần chuẩn bị cho cuộc họp cho từng đồng chí ủy viên Ban Thư ký, Ban Chấp hành cơ sở.
            - Họp Ban Chấp hành:
            + Quán triệt chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ này.
            + Nêu rõ lý do, nội dung, chương trình cụ thể, biện pháp tổ chức cuộc họp Ban Chấp hành.
            + Phát huy dân chủ, trí tuệ trong họp bàn đánh giá, bàn phương hướng, ra Nghị quyết chuyên đề,... tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ,...
            + Tăng cường chất vấn các Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách các cơ sở Hội hoặc các đồng chí phụ trách các mảng quan trọng của đơn vị, phụ trách các cụm cơ sở.
            + Ý kiến tham luận phải phản ánh được thực tế tổ chức thực hiện Nghị quyết, chương trình, kế hoạch,... của Hội ở cơ sở và ý chí, nguyện vọng của cơ sở.
            + Biểu quyết các vấn đề quan trọng theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
            + Chú trọng bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ mới.
            + Thông báo kết quả kỳ họp Ban Chấp hành, phát động cơ sở Hội hưởng ứng thực hiện các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch,... của Ban Chấp hành cơ sở Hội.
            + Sau cuộc họp Ban Chấp hành, phải phân công tuyên truyền các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch,... của Ban Chấp hành và chỉ đạo cơ sở thực hiện.
b) Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức của cơ sở Hội:
            - Ban Thư ký, Ban Chấp hành Hội cơ sở cần chuẩn bị xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động đưa ra Ban Chấp hành bàn bạc thông qua.
            - Thường xuyên học tập, nghiên cứu các chủ trương, Nghị quyết mới của Đảng, Đoàn, pháp luật Nhà nước, chủ trương của Khoa, Nhà trường, các đoàn thể khác để hưởng ứng và phối hợp thực hiện.
            - Tham gia tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn - Hội và kiến thức khác.
            - Chú trọng đi sâu sát cơ sở: Có phân công phụ trách, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo điểm, trực tiếp dự các hoạt động của cơ sở để nắm bắt phong trào, nghe ý kiến đề xuất nguyện vọng của cơ sở, của cán bộ, hội viên, sinh viên.
            - Làm việc với các cấp ủy Đảng, các cấp bộ Đoàn, Hội cấp trên, lãnh đạo Khoa, các ban, ngành, đoàn thể khác ở cơ sở để tranh thủ sự quan tâm giúp cơ sở Hội phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động, phối hợp làm tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác phát triển Đảng, phát triển Đoàn và phát triển Hội.
            - Từng Ủy viên Ban Chấp hành có báo cáo chuyên đề lĩnh vực mình phụ trách.
            - Từng giai đoạn, Ban Chấp hành nên có đầu tư nghiên cứu chỉ đạo các chuyên đề, đề tài, dự án lớn phục vụ công tác chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở hoạt động, tổ chức đảm nhận các công trình, phong trào sinh viên tình nguyện.
            - Phối hợp kiểm tra công tác Hội và phong trào sinh viên, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh ở cơ sở.
            - Tăng cường trách nhiệm của Ủy viên Ban Chấp hành đối với cơ sở Hội được phân công phụ trách, đưa nhiệm vụ nâng cao chất lượng cơ sở vào đánh giá thành tích Ủy viên Ban Chấp hành.
            - Tập trung phối hợp chỉ đạo cơ sở yếu kém, giải quyết các trọng điểm phức tạp.
            - Tập trung phối hợp chỉ đạo theo khóa, theo ngành học và chú trọng tới các vấn đề dân tộc, tôn giáo.
            - Phối hợp tổ chức với các cấp ủy Đảng, các cấp bộ Đoàn, tổ chức hội cấp trên để chỉ đạo hoạt động toàn diện.
c) Công tác xây dựng Đảng - Đoàn - Hội:
            - Tăng cường làm việc và phối hợp với các cấp ủy Đảng, các cấp bộ Đoàn, lãnh đạo Khoa và Nhà trường để làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn - Hội.
            - Quan tâm và có kế hoạch cụ thể về công tác thi đua khen thưởng, công tác giới thiệu các quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp... Phối hợp chặt chẽ với các cấp bộ Đoàn, tổ chức Hội cấp trên nâng cao chất lượng thi đua khen thưởng, nâng cao chất lượng giới thiệu kết nạp Đảng, kiên quyết loại bỏ tình trạng chạy theo thành tích, hạ thấp tiêu chuẩn.
            - Phải thử thách quần chúng phấn đấu vào Đảng để đánh giá đúng động cơ và năng lực trước khi giới thiệu cho các cấp ủy Đảng xem xét, quyết định kết nạp.
            - Chú trọng bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng viên là hội viên sinh viên của Hội Sinh viên... tại cơ sở.
            Với những đề xuất có tính chất gợi ý nêu trên, các cấp bộ Hội Sinh viên mà cụ thể là Hội Sinh viên trường, các Liên chi hội sinh viên, các chi hội sẽ quan tâm tiếp tục đầu tư nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa thật hoàn thiện và vận dụng năng động, sáng tạo vào điều kiện cụ thể ở cơ sở Hội Sinh viên đơn vị mình để công tác Hội và phong trào sinh viên tại các cơ sở sẽ vững mạnh và đạt được nhiều thành công.
 
Ban Thư ký Liên chi hội sinh viên.